Vì mình,

Cứ mỗi lần có tour diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới, báo chí lẫn những nhà “ngẫm” học trên FB VN lại có dịp thắc mắc sao có thể chi hàng chục triệu đồng để đi xem ca nhạc? Những lý lẽ kiểu có chừng đó tiền sao không làm từ thiện hay ít nhất mời bố mẹ đi du lịch, đi ăn mới đáng blah blah nhiều vô kể. Sao có thể nỡ lòng nào tiêu chừng ấy tiền cho việc giải trí trong khi còn bao nhiêu người nghèo khổ chật vật kiếm ăn từng bữa ngoài kia?!? Sao nỡ, sao nỡ?!?

Chuyện này làm mình nhớ tới một chi tiết trong bộ manga Bông hồng tóc ngắn. Có đoạn nhân vật kể chuyện ngày xưa gia đình khổ lắm, chật vật từng bữa ăn; thế mà mẹ cô dám dành tiền mua một cây son cho bản thân. Ngày đó, cô rất giận mẹ, cảm thấy bà là người mẹ tồi. Mãi đến khi lớn, cô mới hiểu ra rằng ở thời điểm cùng cực nhất, đó là thứ khiến bà đứng vững và tiếp tục cố gắng. Không phải vì trưng diện, mà giống như một cú hích tinh thần: tôi-vẫn-chưa-từ-bỏ; tôi vẫn còn có thể điềm nhiên làm đẹp thì những khó khăn khác cũng là chuyện nhỏ thôi. Mỗi người sẽ có một vũ-khí-tinh-thần riêng như vậy; mà có thể đối với người khác là vớ vẩn, nhảm nhí. Trong tiếng Nhật có khái niệm “onna wo suteru”, dịch nôm là vứt bỏ tính nữ, chỉ việc một người phụ nữ không còn chăm chút bản thân. Ấy là biểu hiện của sự đầu hàng, từ bỏ chính bản thân mình. Giả sử người mẹ trong truyện không chỉ mua một cây son mà dốc hết tiền mua đồ makeup, ăn diện thì lại là vấn đề hoàn toàn khác.

(bộ này giờ mình chả nhớ gì :))), nhớ mỗi chi tiết cây son với mấy chuyện ngoài lề của tác giả cười vđ - mỗi bữa ăn hai bát cơm trứng xong đánh rơi nguyên cánh cửa sổ xuống nhà hàng xóm 😂)

Việc hiển nhiên coi bỏ tiền cho nghệ thuật là thứ cấp, là không cần thiết, không đáng trân trọng bằng việc làm từ thiện là một suy nghĩ, phần nào đó vừa coi rẻ nghệ thuật, vừa coi nhẹ sức khoẻ tinh thần. Lại còn là tư duy nhị phân hết sức ấu trĩ, một người chi tiền đi xem show đồng nghĩa không bao giờ giúp đỡ người khác WTF?!? Mình tin rằng con người (dù không phải tất cả) có những thời điểm mong manh đến nỗi một bản nhạc, một câu chuyện có thể giáng vào lòng ta những cú nện nghìn tấn. Đó không cần phải là những tuyệt tác đỉnh nhất thế giới, chỉ cần chúng nói đúng những thứ ta cần nghe ở khoảnh khắc ấy. Khi ai đó nói rằng bản nhạc này, tác phẩm này đã cứu tôi, đã là chỗ dựa tinh thần của tôi, mình hoàn toàn tin. Đó luôn là một thứ tuyệt đối riêng tư, chỉ bạn biết nó có tác động tới đâu lên bản thân mình và bạn không cần chứng minh điều đó với người khác.

Văn hoá VN nói riêng và Á Đông nói chung, đề cao sự hi sinh và luôn đặt tính cá nhân xuống thứ yếu. Tất nhiên, mình không phủ nhận sự cao cả, tuyệt vời, thánh thiện, tốt đẹp, nhân văn, đỉnh đỉnh đỉnh của sự hi sinh, đặc biệt là hi sinh cho gia đình. Mình chỉ không đồng tình với việc tuyệt đối hoá sự hi sinh, biến hi sinh thành trách nhiệm & nghĩa vụ, là lựa chọn duy nhất, cực đoan đến mức người ta không được phép vì bản thân; mọi lựa chọn vì bản thân đều bị coi là ích kỷ, thậm chí nhân cách rẻ rách.

Về người mẹ trong manga kể trên, giả sử bà hi sinh tuyệt đối như kỳ vọng của xã hội Á Đông, có khả năng bà vẫn cứu được gia đình mình nhưng kéo theo việc cạn kiệt cả về thể chất lẫn tinh thần (mà mình cho rằng sụp đổ tinh thần còn khó vực dậy hơn nhiều). Tại sao xã hội luôn chờ đợi việc người phụ nữ xả thân vì người khác như giải pháp đương nhiên đầu tiên (chứ không phải phương án cùng đường), mà không chung tay nghĩ cách để mọi người đều được cứu? Chúng ta có lựa chọn ấy không? Có được phép nghĩ về lựa chọn đó không? Kiểu mâu thuẫn giữa Captain America với Iron man ấy, mày có dám đổ máu dưới dây thép gai để cứu đồng đội không? Tao sẽ nghĩ cách để cắt dây mà không phải mất máu.

Mình nghĩ, việc hi sinh hay biết nghĩ cho người khác phải được nảy sinh, bồi đắp từ tình cảm chân thành, từ sự tự nguyện; chứ không nên vì ép buộc. Có bao giờ cưỡng bức mày phải làm người tốt mà hiệu quả đâu? Cốt lõi của trưởng thành chẳng phải là tinh thần tự giác hay sao?

Trong mọi trường hợp, đúng là chúng ta cần chuẩn bị lường trước những tình huống xấu nhất, nhưng cũng không nên vì thế mà chỉ chăm chăm tin rằng tình huống ấy sẽ xảy ra. Một đứa trẻ lựa chọn dùng tiền học bổng để mua vé xem một liveshow của nghệ sĩ rất có ý nghĩa với nó, không có nghĩa nó sẽ lớn lên thành đứa mất dạy, chỉ biết thân mình, không yêu thương chăm lo cho gia đình. Đừng dùng suy nghĩ tiêu cực đẩy nó tới con đường ấy. Một người trưởng thành, tự làm ra tiền có quyền tự quyết cách sử dụng của họ. Một liveshow có thể tác động rất nhỏ mà cũng có thể rất lớn. Xé một cuốn truyện tranh không đáng bao nhiêu, nhưng có thể để lại vết thương lòng rất sâu; cũng như guilt trip một người bằng mọi số phận thống khổ xung quanh họ không làm những người kia bớt khổ.

Tóm lại, kính chúc tất cả mọi người đều có đủ tiền & cơ hội để xem show của nghệ sĩ mình yêu thích 😂. Những trải nghiệm trực tiếp như vậy, bất kể là loại hình nghệ thuật hay thể thao nào, cũng tuyệt vời vô cùng, là những dấu chấm cảm rất đáng để chúng ta cố gắng có được trong đời. Còn nếu bạn không thấy thế thì... thôi, có sao đâu.

Previous
Previous

1 phút “nổi tiếng”,

Next
Next

Một thử thách đạo đức giả tưởng,