Một thử thách đạo đức giả tưởng,

Hôm rồi nghe podcast tiếng Việt nọ, host hỏi khách mời câu "nếu mẹ & vợ rơi xuống nước, chỉ cứu được một người, bạn sẽ cứu ai?". Nghệ sĩ nam nọ ngay lập tức trả lời rằng cứu cả hai, tại sao phải chọn một. Host tiếp tục hỏi dồn, nhưng chỉ được cứu một thôi. Nghệ sĩ nọ nghĩ mấy giây rồi đáp là cứu mẹ. Còn nói thêm, nếu vợ & con rơi xuống thì cứu vợ.

Host có vẻ thoả mãn vì có được câu trả lời từ khách mời. Khen khách mời "dám" trả lời.

Thông thường, mình sẽ thấy mấy câu hỏi giả định kể trên vô cùng 💩, không đáng tốn năng lượng suy nghĩ. Same energy với mấy câu của bọn đang yêu bị dẩm kiểu nếu em biến thành con sâu anh có còn yêu em không 🥹 (cái này mình thấy... tha thứ được. Có đứa nào đang yêu mà đầu óc bình thường đâu). Tuy vậy, nhờ sự hỏi dồn của host mà mình nghĩ, ê nếu trả lời nghiêm túc câu hỏi đấy thì nên trả lời thế nào?

Mình thấy những câu hỏi như vậy, thực ra, không có liên quan gì tới thực tế. Chúng hoàn toàn là thử thách về mặt tâm lý, cảm xúc & những ràng buộc lỏng lẻo với đạo đức. Câu hỏi kể trên có thể diễn đạt theo cách khác là:

  • Nếu mẹ & vợ rơi xuống nước, ai qua đời sẽ khiến bạn ít day dứt hơn?

  • Nếu mẹ & vợ rơi xuống nước, sự mất mát của ai (mà bạn nghĩ) sẽ khiến bạn đau đớn lâu hơn, mất nhiều thời gian để hồi phục hơn?

  • Nếu mẹ & vợ rơi xuống nước, bạn nghĩ cứu ai sẽ nhận được sự đồng thuận của xã hội hơn?

Vấn đề này tương đối giống với thử nghiệm của Philippa Foot năm 1967, còn được biết đến với cái tên "the classic trolley problem", đã trở thành một chiếc meme kinh điển (khác là cái trolley problem không có yếu tố gắn bó cảm xúc với nạn nhân). Cuốn sách Justice: What's the Right Thing to Do? - Michael Sandel (đã được xuất bản ở VN với tựa "Phải trái đúng sai") đã phân tích khá sâu mấy chuyện này (dù càng về cuối sách đọc càng... lú 🥲, như thể tác giả cũng bị mắc kẹt trong mê trận đạo đức tự mình giăng ra).

Dân tình đã có rất nhiều câu trả lời/ mở rộng tình huống cho "the classic trolley problem", cái nào cũng buồn cười vcđ mà vẫn ko kém phần sâu-đíp.

Vấn đề chỉ là thời gian.

Hoặc do anh ảo tưởng mình có quyền lựa chọn.

Quay lại với câu hỏi cứu mẹ hay cứu vợ, vài câu trả lời dựa trên thực tế có thể xảy ra được là:

  • cứu vợ, vì mẹ em BIẾT BƠI. (hoặc ngược lại)

  • không cứu ai cả, vì cả mẹ & vợ em đều biết bơi.

  • tiện cứu ai thì cứu. vd ai có khả năng sống sót cao hơn thì cứu người đó.

Một cách hay hơn mà mình nghĩ khách mời có thể vặn lại host là: nếu chị là người mẹ trong câu chuyện, chị sẽ mong con trai mình cứu vợ nó hay cứu chị? Tương tự, nếu chị là người vợ trong câu chuyện, sẽ mong chồng mình cứu ai?

Một trong những tiểu thuyết kinh dị hiếm hoi mà mình rất thích là The Ring - Koji Suzuki, có cái kết xuất sắc, cũng là một phương án trả lời câu hỏi tương tự như trên. (Xin spoil) Khi mai táng xong xuôi, êm đẹp cho Sadako, nhân vật chính - phóng viên Asakawa nghĩ rằng vậy đã ổn thoả, cuốn băng sẽ không gây hại cho ai nữa. Nhưng anh ta đã nhầm. Cú twist sau cùng của truyện là mấy đứa nhỏ nhà anh ta đã lỡ xem. Và cảnh kết truyện là Asakawa đang trên đường lái xe như bay, mang cuốn băng đến cho bố mẹ đẻ xem, với suy nghĩ rằng mong bố mẹ sẽ hiểu cho mình.

Nhân vật Asakawa đã có lựa chọn dựa trên suy diễn phổ thông: bọn trẻ còn cả tương lai dài phía trước, còn rất nhiều hi vọng & khả năng tiềm ẩn. Cứu mấy đứa con sẽ khiến anh ta ít day dứt hơn.

Một ví dụ khác, trong manga Monster - Naoki Urasawa, câu chuyện được mở đầu bằng một lựa chọn vô cùng khó khăn của nhân vật chính - bác sĩ Tenma, cứu một đứa trẻ hay cứu một vị quan chức quan trọng. Và lựa chọn nghe (lướt) hết sức nhân văn (cứu đứa trẻ) đã dẫn tới những hệ luỵ vô cùng khủng khiếp sau này (mời các bác đọc truyện cho thấm).

Tóm lại, rất nhiều tác gia đã đưa ra những quyết định khác nhau cho những tình huống đánh đố cảm xúc đạo đức như thế này. Và đều đưa tới điểm chung rằng: bất kỳ lựa chọn nào, dù bẻ lái con tàu sang ray trói một người hay năm người, ta cũng không thể biết chắc được liệu lựa chọn đó có đúng đắn hay không. Liệu một người không được cứu có phải một Einstein tương lai, liệu năm người được cứu có thành nhóm khủng bố phá làng phá xóm?

Mình nghĩ là cách hay nhất để vận dụng mấy câu hỏi như này là... biến chúng thành meme 😂 (nếu ko có tài vẽ nguyên bộ manga kinh điển như Monster). Thế thui!

Previous
Previous

Vì mình,

Next
Next

Quá trình vẽ bìa Tokyo&em…,