Quá trình vẽ bìa Tokyo&em…,

Trong số những bìa sách ít ỏi từng làm, mình khá có duyên với các tác phẩm của tác giả Nhật hoặc có gì đó liên quan tới Nhật. Bìa sách mới nhất mình vẽ gần đây, cũng lâu lắm rồi mới lại vẽ bìa sách, là tác phẩm của một nhà văn Việt Nam. Cuốn sách này là tuyển tập những truyện ngắn thể loại lãng mạn, có bối cảnh tại Nhật.

Khi làm bìa sách, những yếu tố quan trọng (cá nhân) mình nghĩ cần tập trung là:

  • Không khí sách, nói cách khác là hợp vibe. Nhìn lướt 3 giây độc giả có thể hình dung sơ lược về thể loại, là truyện tình cảm lãng mạn hay trinh thám giật gân.

  • Một chi tiết đáng nhớ, gây ấn tượng, tò mò có liên quan tới nội dung sách, có thể là chi tiết trong sách hoặc đơn giản là đủ sức gợi về câu chuyện, không khí... Yếu tố này có thể là màu sắc, hoặc typo hoặc hình ảnh minh hoạ. Ví dụ, bìa Hồ - Banana Yoshimoto do hoạ sĩ Tùng Lâm thiết kế:

Điểm nhấn nổi bật của bìa này là cách xử lý tựa sách, không phải font chữ sẵn có mà là vẽ chữ hoà lẫn với hiệu ứng lan toả trên mặt nước.

Quay trở lại cuốn sách mình cần làm, dựa trên những yêu cầu của tác phẩm & tác giả, mình có vài ghi chú phát triển ý tưởng như sau:

  • Tạo không khí giống bìa sách Nhật: tối giản về hình ảnh minh hoạ & các yếu tố trang trí, có thể sử dụng cách xếp chữ dọc như tiếng Nhật…

  • Hình ảnh nổi bật liên quan tới nội dung sách & tựa sách: cánh hoa anh đào + nhân vật nữ => cô gái “khóc” ra cánh hoa anh đào.

Phác thảo bìa sách (digital)

Vì lựa chọn hướng đi tối giản, mình nghĩ tranh minh hoạ vẽ tay sẽ tạo ra cảm giác texture trên bề mặt tranh tốt hơn, tạo chiều sâu cho hình ảnh. Tất nhiên vẽ digital cũng tạo ra được bề mặt chất liệu, nhưng bản thân mình cảm thấy vẽ tay có gì đó tình cảm hơn (cái này chỉ là xét trong khả năng của mình thôi nhé). Mình đã lựa chọn chất liệu quen thuộc là gouache & chì màu trên giấy vẽ màu nước.

Ban đầu, mình hình dung sẽ sử dụng tone màu các sắc độ hồng. Nhưng vẽ lên được phân nửa tranh thì lại thấy… không ổn lắm. Mặc dù truyện tình cảm lãng mạn, mình không muốn bìa bị sến quá, vẫn phải giữ được không khí trưởng thành, tinh tế. Nên nửa chừng mình đã vẽ lại, đổi hoàn toàn bảng màu sang đen trắng ghi trung tính; để điểm nhấn lại trên khuôn mặt nhân vật và những cánh hoa (sẽ được phủ nhũ).

LƯU Ý: BÌA HOÀN THIỆN DƯỚI ĐÂY LÀ BẢN MOCKUP THIẾT KẾ MẪU. BẢN IN PHÁT HÀNH CHÍNH THỨC CỦA NXB CÓ THỂ KHÁC CHI TIẾT.

Dưới đây là bìa hoàn thiện, với phần typo & layout do Tùng Lâm thực hiện. Vài điểm đáng chú ý khi chúng mình làm phần tựa sách là:

  • Cách ngắt dòng: cuốn sách này có một điểm khó là tựa dài, tận 9 từ. Việc ngắt dòng và chia cụm sẽ ảnh hưởng tới dẫn mắt khi đọc. Có thể thấy tựa này có hai vế khá rõ rệt: Tokyo và em / khi cánh hoa anh đào rơi. Vế sau 6 từ vẫn khá dài nếu chỉ để một dòng. Designer tiếp tục ngắt dòng thêm: khi cánh hoa/ anh đào/ rơi; cũng để tạo thêm hiệu ứng đọc ngắt quãng, chậm lại, nhịp rơi.

  • Điểm nhấn cho chữ: phần Tokyo và em là chữ viết tay của mình, sử dụng brush gần với nét đã vẽ bằng tay. Phần còn lại sử dụng một font có chân gợi không khí cổ điển, trưởng thành, tương phản với phần chữ viết tay nét mộc. Mình không viết tay toàn bộ tựa sách vì tựa dài mà viết tay hết nhìn sẽ hơi rối, hơi “nháp” do mình không phải calligrapher; ngoài ra để phần tựa sách & tên tác giả có kết nối, không bị chọi nhau quá.

  • Phần gáy sách được lặp lại gần giống tựa ở bìa 1; với điểm nhấn là cánh hoa và chữ rơi in nghiêng.

Bìa hoàn thiện chắc chắn còn những điểm chưa tốt. Nhưng mình hi vọng thiết kế này vẫn gây được chú ý, tạo tò mò hứng thú đối với độc giả khi sách lên kệ. Cảm ơn các bạn đã đọc bài!

p.s: xem thêm một số bìa sách khác mình từng làm tại đây nhé.

Previous
Previous

Một thử thách đạo đức giả tưởng,

Next
Next

Về minh hoạ cho doanh nghiệp,