Về minh hoạ cho doanh nghiệp,

Minh hoạ Today at Apple của hoạ sĩ Yukai Du

Kể từ những năm 2010, xu hướng thiết kế phẳng, tối giản dần trở nên phổ biến. Làn sóng này sản sinh ra một phong cách minh hoạ mang nhiều tên gọi khác nhau như “Big Tech Art Style,” “Late Silicon Valley,” “Humans of Flat,"… nhưng tựu chung đều được bắt nguồn từ Corporate Memphis.

Phong cách này mang một số đặc điểm nhận diện quen thuộc như:

  • Tạo hình người phóng đại, tay chân to, dài, đầu nhỏ, ít biểu cảm trên khuôn mặt

  • Pose dáng nhiều chuyển động, giàu năng lượng: các nhân vật thường trong trạng thái nhảy múa, lộn nhào, tung hứng…

  • Màu da khác thường như xanh dương, vàng, xanh lá…

  • Đậm tính hình học phẳng, dùng nhiều hình khối cơ bản

  • Màu sắc tươi sáng, bắt mắt

Vì quá phổ biến rồi trở nên bão hoà, phong cách minh hoạ doanh nghiệp này hay bị chê vô hồn, khô khan, đại trà thiếu cá tính riêng. Tuy vậy, có thật sự là nó chỉ có vậy không?

Nguồn gốc của Corporate Memphis

Cái tên Corporate Memphis bắt nguồn từ phong cách thiết kế đậm chất thập niên 80 của Memphis Group, hay còn được gọi là Memphis Milano (1980 ~ 1987) - một hội nhóm thiết kế đồ nội thất & kiến trúc của Ý do Ettore Sottsass sáng lập. Phong cách này, ngắn gọn là một tuyên ngôn phản kháng lại những gì được coi là “có gu” thời bấy giờ. Các nhà thiết kế cố tình “làm lố” mọi thứ, màu mè bay nhảy tung toé, coi nhẹ tính ứng dụng của sản phẩm.

Phong cách này vào thời điểm đó cũng vấp phải những tranh cãi trái chiều. Tuy vậy, nó vẫn để lại những ảnh hưởng rõ nét lên thiết kế thập niên 80. Phong cách này học hỏi những đường nét, hình khối táo bạo từ phong trào Art Deco của thập niên 20, màu sắc âm hưởng tương lai trong style nội thất atomic-age của thập niên 50, và những màu sắc rực rỡ cùng hoạ tiết sinh động của phong trào Pop Art thập niên 60.

Một thiết kế tiêu biểu của phong cách Memphis group (ảnh wikipedia)

Sự bùng nổ của Corporate Memphis

Sản phẩm (được coi) đánh dấu thời điểm bùng nổ của phong cách này là bộ hình minh hoạ Facebook’s Alegria năm 2017, do studio BUCK thiết kế. Sản phẩm này ra mắt bắt trúng xu hướng thiết kế phẳng, kéo theo hàng loạt các sản phẩm minh hoạ khác dành cho apps, startup… cũng theo đuổi tư duy tạo hình tương tự. Tới giờ, chúng ta có thể bắt gặp những minh hoạ kiểu này ở khắp mọi nơi, và không lạ khi chúng luôn gợi lên cảm giác “công nghệ” - chính các công ty công nghệ lớn đã thúc đẩy trào lưu này.

Một minh hoạ tiêu biểu của Algeria - “Algeria” trong tiếng Tây Ba Nha có nghĩa là “niềm vui”

Ngoài visual đặc trưng, dễ nhận, một lợi ích khác của phong cách Corporate Memphis này là chúng thân thiện với nền tảng web hiện đại (về mặt kỹ thuật) hơn. Hình ảnh dạng vector thì linh hoạt hơn khi dùng trong thiết kế; ít nhất là co kéo không lo vỡ hình.

Bước kế tiếp của minh hoạ cho doanh nghiệp

Hiện tại, phong cách Corporate Memphis đã tương đối bão hoà; nhưng mình không nghĩ nó sẽ biến mất hoàn toàn, vì thực ra nó có giá trị riêng, không cần phải xoá sổ làm gì. Minh hoạ “tập đoàn tư bản” không xấu, chỉ là hoạ sĩ làm chưa đủ tốt. Gần đây, xuất hiện nhiều sản phẩm minh hoạ cho doanh nghiệp mà phá cách, mới mẻ, thú vị. Đối lập với phong cách màu mè hình học của Corporate Memphis, giờ chúng ta quay lại tối giản, ít màu, hình khối organic, lỏng tay...

Minh hoạ cho ứng dụng Notion của hoạ sĩ Roman Muradov

Studio Tribambuka cũng có nhiều sản phẩm minh hoạ cho doanh nghiệp mình thấy rất nghệ, không hề bị cảm giác khô cứng, công nghiệp.

Minh hoạ của hoạ sĩ Anastasia Beltyukova. Xem thêm tại đây.

Trải nghiệm thực tế với project minh hoạ cho doanh nghiệp

Dài dòng rồi tới đoạn mình thử sức, ứng dụng những kiến thức kể trên vào một sản phẩm thực tế. Đợt cuối năm nay, mình may mắn được tham gia một dự án làm lịch cho Vnworks. Khách hàng cần tranh minh hoạ cho 12 tháng với không khí trưởng thành nhưng vẫn bay bổng, nhiều năng lượng. Mỗi tranh dựa trên một câu trích dẫn truyền cảm hứng với nghề nhân sự.

Cái khó của project này là tìm được hình ảnh giàu sức gợi cho những câu từ không gắn liền với hình ảnh cụ thể nào. Ví dụ câu trích dẫn về vượt qua áp lực chẳng hạn, vậy mình có thể “cụ thể hoá” áp lực thành hình ảnh gì? Vác đá tảng trên lưng? Với mỗi câu trích dẫn, mình chọn ra một từ khoá để từ đó phát triển ý tưởng; rồi quyết định xem sử dụng hình ảnh ẩn dụ trừu tượng hay trực quan, diễn nôm. Đây là khâu mất nhiều thời gian & khó nhất trong quá trình làm.

Ngoài ra, khách hàng muốn sử dụng bảng màu của thương hiệu để nâng cao tính nhận diện cho sản phẩm (yêu cầu này rất thường gặp), nhìn tổng thể cả cuốn lịch cũng thống nhất hơn. May là bảng màu của thương hiệu có nhiều màu sắc tươi tắn nên lúc vẽ dễ thở hơn chút. Khi lên màu hoàn thiện, mình vẫn tỉa thêm, đổ bóng và texture để mảng khối có chiều sâu và mềm mại hơn.

Về bố cục, mình hạn chế để hình cắt ở cạnh mép, mà chủ yếu vẽ kiểu spot illustration để designer dàn trang có thể linh hoạt thiết kế, thêm thắt hơn. Dưới đây là một số tranh hoàn thiện trong bộ lịch mình đã vẽ (lưu ý sản phẩm in ra sau cùng có thể khác chi tiết):

Previous
Previous

Quá trình vẽ bìa Tokyo&em…,

Next
Next

Quá trình minh hoạ Gấu vuông,