Quá trình minh hoạ Gấu vuông,
Năm 2013, mình có cơ hội minh hoạ cuốn sách tranh tên là Gấu vuông (của tác giả Trịnh Hà Giang). Truyện kể về một chú gấu hình vuông, tính gọn gàng ngăn nắp và thích mọi thứ... đều vuông vắn như mình. Tiền đề câu chuyện và nhân vật sẵn đã rất thú vị rồi. Hình vuông đều chằn chặn cũng gợi cảm giác ngay ngắn, cứng nhắc. Phần kịch bản lời mình nhận được chỉ thuần nội dung sẽ xuất hiện trên trang sách, không kèm bất kỳ chú thích hay miêu tả gì thêm. Câu văn chỉ ngắn gọn: "Trong nhà gấu mọi thứ đều hình vuông."
Đây là lúc hoạ sĩ minh hoạ phải phát huy trí tưởng tượng của mình để mở rộng nội dung cho phần lời văn. Mọi thứ đều hình vuông, nhưng vuông như thế nào? Màu sắc ra sao, bố cục nhà ra sao để thể hiện sinh động nhất tính cách của nhân vật? Nếu chỉ một nhân vật gọn gàng, máy móc thì hơi khô khan quá, mình muốn thêm vào vài điểm màu mè cho nhân vật đa chiều hơn. Nên mình cho Gấu vuông mê nghệ thuật, có gu nữa. Vậy thì nhà Gấu sẽ có nội thất màu sắc tươi tắn và chắc chắn phải treo tranh. Một người mê hình vuông gọn gàng thì sẽ thích hoạ sĩ nào, không phải Piet Mondrian thì còn ai vào đây!
Gấu Vuông còn độc thân nữa nên chỉ có một chiếc cốc, một cái nồi. Gấu còn là kẻ yêu bản thân (sau Gấu bắt tất cả các con thú khác trở nên vuông vắn như mình) nên Gấu sẽ treo ảnh chân dung một mình mình ngay ở phòng khách.
Mọi thứ xuất hiện trên trang sách, bất kể là sách tranh hay sách chữ, đều cần có ý nghĩa, có đóng góp vào việc thể hiện nội dung. Không chỉ nên là trang trí cho đẹp. Những chi tiết cài cắm vui vui, bên ngoài phần lời văn khiến cuốn sách có nhiều lớp hơn, giúp việc đọc đi đọc lại nhiều lần trở nên thú vị hơn vì mỗi lần lại phát hiện ra thêm điều gì đó mới. Như đi nhặt trứng phục sinh vậy.
Mình muốn xây dựng nhân vật thú vị, hấp dẫn, dễ nhớ, có chiều sâu; không chỉ về hình thức, mà cả cá tính, sở thích, quan điểm, tôn giáo, phông nền văn hoá, bối cảnh sống, gia đình, trình độ học vấn...
Phương pháp nhân hoá được sử dụng rất phổ biến trong tác phẩm cho thiếu nhi. Cái gì cũng sẽ biết nói cả, từ con gà con trâu cho tới cái dép cái chổi. Nếu đã nhân hoá, phải nhân hoá tới cùng, phải hợp lý hoá mọi thứ xung quanh nhân vật đó. Không nên chỉ nhân hoá mình nhân vật rồi mặc kệ bối cảnh. Điều thú vị trong phim A bug's life chính là ở việc những người làm phim đã tạo ra những thứ đồ tương tự đồ đạc của con người, nhưng bằng những vật liệu logic với đời sống tự nhiên của loài kiến. Mặt nạ bằng vỏ hạt hạnh nhân, mũ bằng lá, ống nhòm bằng một giọt sương, máy ghép bằng những mẩu cành cây và sỏi...
Tương tự, phim Wreck It Ralph 2 đã có mô phỏng cực kỳ chính xác về bản chất kỹ thuật của Internet (bạn nhà mình - một kỹ sư công nghệ, xem rất khoái chí, vỗ đùi đen đét khen chuẩn quá). Các phim khác như Inside out, SOUL, Hercules.... (và rất nhiều tác phẩm xuất sắc khác) đều đã làm được như vậy, tạo ra một thế giới với những nhân vật vô cùng chi tiết, hợp lý, đáng tin. Hoặc vô cùng hài hước như trong Hercules đoạn mấy nhân vật gào lên ai đó hãy gọi IX I I đi (chẳng phải là 911 sao). Phải tưởng tượng không hời hợt như vậy mới tạo ra được tác phẩm thuyết phục được người đọc, người xem. Việc này không chỉ đúng với phim ảnh, mà còn cả sách vở.
Trong thơ cũng khác gì. Đặc biệt là thơ cho trẻ con hay bị sa vào mấy thứ cliché, vài ẩn dụ, nhân hoá lối mòn. Loanh quanh luẩn quẩn yêu thương này nọ vậy thôi. Những tác phẩm như tập thơ Góc sân và Khoảng trời xuất sắc bởi nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết một cách trung thực, về tất mọi thứ ông nhìn thấy xung quanh mình, nhưng bằng một quan sát sâu sắc, chi tiết hơn. Ông kể chuyện một cơn mưa mà không cần kể mây đen kéo đến, sấm chớp đùng đoàng, mưa rơi lộp bộp mà:
Những con mối
Bay ra
Mối trẻ
Bay cao
Mối già
Bay thấp
Gà con
Rối rít tìm nơi
Ẩn nấp
Ngay việc câu ngắn, ngắt dòng cũng đã tạo cảm giác gấp gáp, vội vàng, không khí khẩn trương trước cơn mưa.
Muôn nghìn cây mía
Múa gươm
Mặc dù không trực tiếp nhắc tới gió, nhưng đọc là hình dung được gió phần phật, khiến những cây mía lắc dữ dội.
Quay trở lại cuốn Gấu vuông, ngoài nhân vật Gấu, còn có đội nhân vật rất quan trọng trong câu chuyện nữa là đàn ong. Mình nghĩ ong cần có cách giao tiếp khác với nhân vật Gấu. Các nhân vật đều cần có cách thoại, điệu bộ… riêng biệt. Mình lấy ý tưởng từ thực tế của loài ong có cách giao tiếp với nhau bằng “điệu nhảy”, di chuyển; ở đây được cụ thể hoá bằng những đường chấm gạch thể hiện đường bay.
Ngoài ra thì lựa chọn khổ sách cũng có thể cài cắm có chủ ý, làm rõ thêm nữa concept của tác phẩm. Câu chuyện thật sự diễn ra từ bìa 1 tới bìa 4 của cuốn sách. Ở đây mình chọn khổ vuông (hiển nhiên), cộng thêm chi tiết khoét bìa sau cùng ở bìa cuối; như một after credit thêm cho độc giả.
Mình tin rằng một trong những điều cốt lõi để đánh giá một tác phẩm dành cho thiếu nhi có hay hay không là khả năng tưởng tượng chi tiết có logic riêng của tác giả. Việc xây dựng thế giới phong phú, sinh động, xây dựng nhân vật có chiều sâu góp phần rất lớn vào chất lượng sau cùng của tác phẩm. Đây cũng là điều mình luôn cố gắng làm đối với mỗi bản thảo.
p.s: xem thêm hình ảnh trong Gấu vuông tại đây.