Vài ghi chú về xây dựng bản thảo sách,

Mình vốn không thích đọc thơ cho lắm, thành thật là như vậy. Thi thoảng mới đọc thôi. Nhưng vô tình mình rất có duyên làm bản thảo thơ. Trước mình đã giúp biên tập tập thơ đầu tay Lấp kín một lặng im của Lu, gần đây nhất là cuốn Cơm nhà nói chung là êm của Nhược Lạc. Ngoài ra mình từng làm một tập thơ thiếu nhi song ngữ tên là Cô gái trên trăng - The girl on the moon của tác giả trẻ-con (lúc đó mới học lớp 3) Bông An.

Bối cảnh của những bản thảo này thì hơi khác nhau một chút. Ví dụ cuốn của Nhược Lạc, mình giúp khâu biên tập bản thảo trước khi gửi đến “chào hàng” các NXB. Bản thảo của Nhược Lạc đã được NXB duyệt xuất bản với thời gian nhanh chóng mặt – 2 ngày (thông thường khâu duyệt bản thảo có thể mất hàng tháng trời, như cuốn đầu tay của Lu đã mất tới gần nửa năm), và cũng mới được chính thức phát hành toàn quốc cách đây mấy hôm.

Vậy nên hôm nay mình muốn chia sẻ một chút kinh nghiệm về việc xây dựng bản thảo cũng như đi pitch bản thảo với NXB ra sao cho khả năng thành công cao nhất. Lưu ý là mình chỉ giúp bản thảo của Nhược Lạc trước khi được NXB chấp nhận, mình chưa được cầm trên tay bản in cuối cùng nên có thể sẽ có những khác biệt qua khâu biên tập, chỉnh lý của NXB. Bài này mình tập trung vào việc tăng khả năng thành công cho bản thảo được nhận thôi nha.

Đầu tiên, kể dông dài một chút thì mình đã quen Nhược Lạc từ khá lâu (trước cả khi cô ấy lấy chồng), bạn ấy là tác giả cũ từng hợp tác làm một cuốn với mình thời xưa. Cuối năm ngoái Lạc có nói chuyện với mình, chia sẻ ấp ủ ra một tập thơ chính-thức đầu tay riêng. Mình bảo làm ngay thôi chứ còn chờ gì nữa. Lạc gửi mình bản thảo dự định gửi các NXB để xem trước.

Lạc vốn là một tác giả đã có chút tiếng tăm trên mạng từ nhiều năm nay. Cô ấy có một lượng độc giả trung thành nhất định. Bản thảo Lạc gửi mình đọc, đơn thuần tập hợp những bài thơ đã sáng tác trước giờ, với tên tập thơ ban đầu là Cây hoa mộc nở trước nhà. Đây là vấn đề các nhà thơ nói riêng và các tác giả trẻ nói chung hay gặp, bản thảo sơ của Lu ban đầu cũng vậy, họ chỉ tập hợp những gì đã viết nhưng chưa gọt giũa thành CONCEPT rõ ràng.

Khi làm bản thảo thơ mình không nhìn đó chỉ là thơ. Mình nhìn vào hình tượng/ cá tính của tác giả đó, cùng thông điệp, quan điểm họ mang tới. Còn thơ hay văn xuôi là hình thức thể hiện thôi. Đọc free trên mạng là một chuyện, nhưng không thể chỉ bê nguyên những gì đã đăng trên mạng để in thành sách.

Vì đã có cơ hội tiếp xúc (dù ít ỏi) ở ngoài với Nhược Lạc, mình biết cô ấy là một người nhẹ nhàng, có lối sống giản dị, từ lời ăn tiếng nói đi đứng cũng rất nhỏ nhẹ. Thơ cô ấy phản ánh trung thực bản thân cô ấy ngoài đời. Đây là điều cốt lõi mình bám vào để giúp Lạc xây dựng concept cho tập thơ: một quan điểm sống chậm, tận hưởng mọi điều nhỏ bé từ một người phụ nữ trẻ, hiện đại.

Dù concept tác phẩm bạn xây dựng là gì, đó cũng nên là điều bạn thật sự tin tưởng. Những thông điệp, cảm xúc thành thật sẽ dễ được đồng cảm. Ấy là điều tạo nên một bản thảo tốt.

Việc biên tập là giúp nhặt ra được điểm hay nhất, sắp xếp mọi thứ cho hợp lý chứ không phải bịa ra những thứ không sẵn có trong bản thảo hay chính tác giả. Và vì một cuốn sách luôn có giới hạn, bạn chỉ nên tập trung vào một thông điệp mạnh nhất, một khía cạnh của bản thân muốn truyền đạt, đừng cố nhồi nhét quá nhiều thứ.

Mình vạch ra hình dung lớn về tập thơ là một cuốn sách đem lại cảm giác dễ chịu, gần gũi, ấm cúng nhưng cũng không kém phần sâu sắc, nhất là khi sách dự định ra vào dịp Tết (thời điểm ra mắt sách cũng đóng vai trò rất lớn. Nếu sách chủ đề nặng nề chắc chắn không nên ra vào dịp lễ hội – khi mà người ta chỉ muốn nghĩ tới chuyện vui). Mình gợi ý đặt lại tên sách để thể hiện sát tinh thần ấy hơn. Lạc ngồi nhặt ra một số câu thơ để làm tựa, cuối cùng chúng mình chọn Cơm nhà nói chung là êm.

Sau đó mình lọc các bài thơ theo chủ đề: suy nghĩ riêng của người phụ nữ, tình cảm vợ chồng, thơ về các con, và những suy nghĩ bông đùa, vụn vặt. Chia theo hạng mục “cơm nước” cho thống nhất: bữa sáng – bữa trưa – bữa tối – ăn vặt. Mình đặt mục đầu tiên Bữa sáng cho những bài thơ khoảng trời riêng tư là vì muốn dẫn dắt độc giả đi từ trải nghiệm suy nghĩ của riêng Nhược Lạc trước nhất, từ con người độc lập duy nhất của cô ấy trước khi cô ấy là một người vợ và một người mẹ. Mình không muốn cái tôi cá nhân của cô ấy bị hoà tan vào những chức danh người vợ, người mẹ.

Chuyên mục Ăn vặt cuối cùng mình xếp là mục… giải trí. Những bài thơ ngắn ngắn và bông đùa khác không khí bình thường của Lạc đi đôi chút. Sau một tập thơ dài, có lẽ độc giả sẽ cần thư giãn tý.

Sau khi sắp xếp lại các hạng mục, xếp các bài thơ theo trình tự trình bày và dàn trang demo luôn (vd các bài thơ với khổ ngắn dài cũng cần có nhịp điệu trên trang giấy khi dàn. Nếu xếp toàn các bài dài thượt vào một cụm, toàn các bài ngắn một khổ vào một cụm, có thể lúc dàn sẽ hạn chế về mặt visual, khó đẹp), là đến mục đi pitch bản thảo ra sao. Một ngày một NXB sẽ nhận được rất rất nhiều bản thảo, làm sao để người ta đọc bản thảo của mình? Và nếu đọc, làm sao để người ta đọc hết? Một email đi pitch với NXB nên lưu ý những điểm sau:

  • Gửi đến đúng người phụ trách. Trường hợp của Lạc thì vì Lạc là tác giả cũ của mình nên mình đã có lời giới thiệu trực tiếp (đây là tình huống tốt nhất).

  • Tiêu đề ngắn gọn, đầy đủ thông tin: [bản thảo] – tên tác giả – thể loại – tên tác phẩm

  • Chào hỏi lịch sự, viết đúng tên người nhận.

  • Giới thiệu ngắn gọn về bản thân, 2-3 câu là đủ.

  • Tóm tắt về tác phẩm (ngắn gọn): thể loại, concept, thông điệp, nội dung chính, khối lượng.

  • Trình bày selling-point của bản thảo: vd cụ thể trong trường hợp của Nhược Lạc thì có:

    • đã có sẵn một lượng người đọc trung thành (ghi rõ cụ thể con số follow trên tất cả các kênh, lượng đọc/ tương tác thường xuyên…)

    • hình tượng trẻ, văn minh, gia đình lành mạnh

    • quan điểm sống/ thông điệp đang là một xu hướng lớn, tích cực trong xã hội

    • tác giả có kinh nghiệm trong ngành truyền thông —> sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc quảng bá sách

  • Cảm ơn. Có thể kèm theo các contact khác để họ thuận tiện liên hệ. Và nhớ LUÔN LUÔN là người trả lời mail sau cùng, bất kể họ từ chối hay đồng ý nhận bản thảo, LUÔN LUÔN PHẢI CẢM ƠN HỌ ĐÃ ĐỌC EMAIL & BẢN THẢO. Giới xuất bản rất nhỏ, hãy cư xử lịch thiệp, tử tế. (in đậm, phóng to dán lên tường chỗ nào hay nhìn thấy ý)

  • Cuối cùng, đừng có hối NXB đọc nhanh lên. Hãy gây cảm tình chứ đừng gây phiền hà. Đọc bản thảo mất thời gian chứ không nhanh được đâu ấy, và họ có rất nhiều bản thảo cần đọc. Thông thường, nếu sau 3 tháng không có hồi âm, bạn có thể ngầm hiểu là đã bị từ chối và hãy gửi cho NXB khác.

Nếu may mắn bản thảo của bạn được nhận, đây sẽ là khởi đầu cho một hành trình dài nữa: có biên tập của NXB, điều chỉnh, dàn trang thiết kế làm bìa, xin giấy phép, lên kế hoạch truyền thông…

Previous
Previous

Quá trình minh hoạ Gấu vuông,

Next
Next

Vì sao mình không muốn tới Neverland,