Vì sao mình không muốn tới Neverland,
Mình thích hầu hết các phim hoạt hình classic 2D của Disney, ngoại từ Peter Pan. Ngày nhỏ, mình chỉ đơn thuần không thích, cũng không nghĩ sâu và không giải thích được vì sao mình lại không thích câu chuyện này. Mình cũng đã từng đọc thử sách nhưng hầu như không nhớ gì, không có ấn tượng nào đọng lại.
Giờ khi đã lớn hơn, đọc và tìm hiểu được nhiều thứ hơn, mình liền nghĩ lại và tìm cách giải thích xem điều gì khiến mình không kết nối được với Peter Pan. Tất nhiên, có thể đơn giản nói là tôi không thích thôi nhưng... thế thì nói làm gì? :)))
Điều đầu tiên, Peter Pan là một câu chuyện với concept (khá phổ biến) trốn chạy thế giới thực, thêm chút tránh né trách nhiệm làm người lớn. Mình yêu thích khá nhiều tác phẩm với concept này: Biên niên sử Narnia, Momo, Chuyện dài bất tận (Never ending story), Where the wild things are... Có gì khác biệt giữa việc chạy trốn của Peter Pan với Momo hay anh chị em nhà Pevensie?
Không biết những đứa trẻ khác thế nào nhưng ngày nhỏ mình rất muốn lớn, luôn phấn khởi mỗi lần khai giảng được lên lớp. Mong thành người lớn để được làm đủ thứ tự do tuỳ ý. Việc thích làm trẻ con và mong được làm trẻ con mãi - mình nghĩ - chỉ xuất hiện ở người lớn - những người biết được rằng lớn không vui như mày tưởng đâu (aka đừng lớn bẫy đấy). Một trong những bản năng thuần tuý nhất của những đứa trẻ là tò mò, những gì chúng chưa từng được thử sẽ muốn thử. Làm người lớn là một trong những điều bí ẩn to đùng. Khi còn bé, mình không tài nào đồng cảm được với việc Peter Pan không muốn lớn, mãi mãi mắc kẹt ở hình dạng một đứa trẻ. Thêm nữa, lúc bé mình không thích ý nghĩ bố mẹ biến mất. Giống như đi siêu thị đông nghịt mà bị lạc mất bố mẹ vậy, không vui vẻ tý nào.
Những vùng đất kì diệu thường không có luật lệ để tới hay ở lại, chỉ cần muốn là đến, mở sách ra đọc là tới, chui qua tủ quần áo là tới, vào phòng đóng cửa rồi dong buồm ra khơi là tới... Nhưng luật ở Neverland là phải bé mãi, không được lớn - một mong muốn mà ngay từ đầu mình đã không có.
Trước Peter Pan xuất bản năm 1911, bản mà phần lớn chúng ta biết tới như câu chuyện gốc, thực ra J.M. Barrie đã có viết một phiên bản trước đó. Đó là tiểu thuyết The little white bird (1902). Tác phẩm này được coi là bán tự truyện về một người đàn ông say mê một đứa trẻ, muốn đánh cắp nó khỏi tay mẹ, vì muốn làm thân với đứa trẻ nên đã nghĩ ra câu chuyện về Peter Pan sống đời thần tiên ở vườn Kensington (London).
Trong câu chuyện, Peter Pan là một đứa trẻ một tuần tuổi và không bao giờ lớn lên, hàng ngày trèo qua cửa sổ để đi chơi với những nàng tiên, chim chóc diệu kỳ. Cậu tin rằng mẹ sẽ luôn yêu mình, luôn để cửa mở chờ mình. Nhưng tới khi trở về cậu nhận ra cửa sổ đã đóng, và phía bên kia mẹ đang ôm ấp, âu yếm một đứa trẻ khác.
Trong cả phiên bản sách và kịch, Barrie chỉ kể câu chuyện thuần tuý từ phía Peter. Chúng ta không thấy góc nhìn của đám trẻ (nhóm lost boy). Tất cả dường như là một trò chơi bất tận của Peter ở xứ Neverland, những đứa trẻ khác là một phần của trò chơi, nếu lỡ lớn quá không chui vừa qua gốc cây thì bị loại bỏ, giả vờ bị giết nhưng ăn thì cũng có khi chỉ là giả vờ thôi.
Câu chuyện cuộc đời thật của J.M.Barrie và nguồn cảm hứng phía sau Peter Pan có rất nhiều tranh cãi, và chúng ta sẽ không bao giờ biết được sự thật chính xác là gì. Có người tin rằng (trong số đó có một đứa trẻ nhà Llewelyn Davies, các bạn có thể xem thêm phim Finding neverland) Barrie thật sự trong sáng, yêu mến những đứa trẻ một cách thuần tuý, gay và asexual (dù ông đã từng kết hôn). Có những người khác lại cảm thấy việc Barrie quá mức gắn bó, thậm chí có phần chiếm hữu, với những bé trai có phần... không bình thường, tiệm cận ấu dâm.
J.M.Barrie chơi đóng kịch Captain Hook cùng Michael Llewelyn Davies (được coi là nguyên mẫu của Peter Pan) 1906
Một số tài liệu khác mình đọc được cho rằng Peter Pan phản ánh trauma thời nhỏ của Barrie, việc ông cảm thấy mình bị mẹ bỏ rơi sau khi có em trai. Và khi em trai ông mất sớm, mẹ ông gần như chìm đắm trong nỗi đau khổ tuyệt vọng mà quên mất sự tồn tại của ông. Một trauma tuổi thơ khiến ông tin rằng mình phải bé mãi để được mẹ yêu thương.
Bất kể câu chuyện đời tư của tác giả và hoàn cảnh sáng tác tác phẩm ra sao, với mình, thời nhỏ lẫn bây giờ, ý tưởng không bao giờ lớn, mãi mãi làm một đứa trẻ có phần ghê rợn, một ảo giác tiêu cực rằng trưởng thành là vùng đất chết chóc. Và nhất là... không có vui. Trong những câu chuyện như Biên niên sử Narnia, những đứa trẻ tự nguyện đến với thế giới ấy, chúng chiến đấu bảo vệ cho vùng đất ấy, và chúng vẫn lớn lên trở thành những vị vua và nữ hoàng; sau cùng lại chủ động quay trở lại thế giới thật. Mọi thứ đều là lựa chọn, không có những ràng buộc khiến chúng phải chống lại tự nhiên (việc lớn lên) hay từ bỏ gia đình (anh chị em luôn bên nhau). Chúng còn có thể thoải mái quay lại Narnia (thế nên chúng ta có hẳn thêm mấy tập sách tiếp :)) ).
Với mình sự trốn chạy của Biên niên sử Narnia là sự trốn chạy lành mạnh - một ẩn dụ cho cuộc sống tinh thần cân bằng giữa thực tế và tưởng tượng. Cả hai đều cần thiết và có thể tồn tại song song, không thể từ bỏ hoàn toàn một trong hai thứ.
Cá nhân mình không phán xét đời tư của J.M.Barrie. Nhưng mình cảm thấy Peter Pan phản ánh và chứa đựng quá nhiều ám ảnh cuộc đời của Barrie - mà chính ông sau này đã tự viết rằng ý nghĩa thật sự của Peter Pan, mãi sau này ông mới hiểu, là một nỗ lực tuyệt vọng để trưởng thành mà thất bại. Mình thấy những thứ nặng nề và u ám lấn át cả khía cạnh thế giới fantasy thần tiên, vui vẻ của tác phẩm. Đây có lẽ là điều ngày nhỏ mình không giải thích được, chỉ lợn cợn cảm thấy rằng không thích thú cái thế giới đó, không hấp dẫn như thế giới sau tủ quần áo của Narnia.
Tất nhiên, nếu bạn đọc và vẫn yêu mến tác phẩm này, điều đó hoàn toàn ok. Tuy vậy, nếu có con, chắc mình sẽ không cho nó đọc Peter Pan từ sớm. Mình không thấy concept chủ đạo xuyên suốt tác phẩm tích cực cho lắm. Khi nó đã đủ lớn, đủ tư duy thì nó có thể tự chọn đọc thử.
Nguồn tham khảo: How the fantasy of Peter Pan turned sinister