Nhưng…

Ngày trước, khi mình tham gia một workshop về creative writing, thầy hướng dẫn có dạy cho một bí kíp, kèm với bài tập thực hành để tìm kiếm ý tưởng cho câu chuyện. Đó là chữ "BUT" - nhưng.

Mọi câu chuyện đều được bắt đầu từ một mâu thuẫn. Một thanh niên tài giỏi muốn thống trị thế giới nhưng bị những thế lực khác chống trả, chết lên chết xuống mấy lần cuối cùng hồi sinh mất cả mũi. Một thanh niên khác mẫu mực, yêu nước, chính trực, lại đứng ra che giấu cho một người bạn thân từ thủa ấu thơ - người đã lỡ giết bố mẹ một người bạn thân lúc lớn đi làm của anh ta. Một thanh niên đi huỷ nhẫn nhưng lại bị chiếc nhẫn dụ dỗ đeo vào... Những mâu thuẫn này tạo ra động lực cho nhân vật. Động lực kéo câu chuyện tiến triển.

Một câu chuyện mà động lực của nhân vật mờ nhạt, không rõ ràng sẽ trở nên mông lung, thiếu định hướng. Nói đơn giản là không thú vị chút nào.

Trước khi tạo ra được những câu chuyện có nhiều lớp lang, nhiều tuyến nhân vật với những động lực, mâu thuẫn khác nhau, ta phải làm được ở mức cơ bản nhất với một nhân vật. Bài tập ngày đó của mình là viết một câu ngắn gọn mà giới thiệu đủ được mục tiêu lẫn mâu thuẫn của nhân vật. Ví dụ như:

  • Một cô bé muốn trở thành hoạ sĩ (mục tiêu) nhưng lại bị mù màu (cản trở).

  • Một người tuyết muốn đi tắm nắng hè. (mục tiêu mâu thuẫn với bản chất tự nhiên)

Để tạo ra nhưng cặp mâu thuẫn thú vị, khác thường hơn, có một bài tập phụ trợ là viết ra những từ ngẫu nhiên, rồi tìm cách nối chúng lại bằng từ "nhưng". Việc này giúp trí não người viết không sa vào lối mòn, những tương phản quen thuộc. Đến bây giờ mình vẫn thường dùng cách này khi viết kịch bản mới.

Trong phim The Departures của Nhật, câu chuyện được mở màn trực diện bằng cách giới thiệu nhân vật chính - một người nhạc công thất nghiệp, trở về quê chuyển qua nghề liệm xác. Sự khác biệt gay gắt, dường như không có chút điểm chung nào giữa âm nhạc và dọn dẹp xác chết gây tò mò cho khán giả, khiến họ thắc mắc liệu chuyện gì sẽ xảy ra với người nhạc công ấy, anh ta có làm nổi công việc này không, gia đình anh ta sẽ phản ứng ra sao...

Mâu thuẫn càng sâu sắc, động lực càng mạnh mẽ thì nhân vật sẽ càng rõ nét, ấn tượng, thuyết phục. Nhân vật Cobbs trong Inception, bị buộc tội giết vợ oan uổng, không dám quay về nhà, không được gặp mặt các con. Tình yêu - như Sherlock từng nói - luôn là động lực mạnh mẽ nhất, hơn cả thù hằn. Khi Cobbs vì muốn được về bên các con mà chấp nhận một phi vụ mạo hiểm, gần như bất khả thi, khán giả cảm thấy rất đáng tin, đúng là một người bố cùng quẫn sẽ bất chấp tất cả để được gặp lại con mình. Hay như John Wick, vợ vừa chết lại có mấy thằng trẻ trâu đến cướp con xe, giết hại dã man chú cún mà vợ anh tặng, anh Wick không giết cả lò chúng nó mới là lạ :).

Tạo ra được một nhân vật có tương phản hay, động lực rõ ràng đã khó, duy trì, phát triển được những tính cách, động lực ấy còn khó hơn. Nhân vật Sasuke trong Naruto ban đầu là một nhân vật sắc nét: một đứa trẻ thiên tài với quá khứ bi đát. Mối thù với người anh trai đã giết cả nhà là động lực chính chi phối các hành động, quyết định của Sasuke. Cậu ta từ bỏ mọi thứ tốt đẹp mình có để đi theo Orochimaru, tìm kiếm sức mạnh đen tối. Mâu thuẫn này cũng tạo điều kiện nền tảng làm nổi bật tình bạn gắn kết, vô tư cũng như sự đối đầu sâu sắc giữa Naruto và Sasuke.

Tuy vậy, nhân vật dở đi kể từ khi Itachi chết và ô là la, hoá ra anh ta không phải kẻ xấu, anh ta giết cả họ không phải vì độc ác mà là hi sinh vì nghiệp lớn. Itachi từ nhân vật phản diện một chiều (tao giết vì tao ác), trở thành nhân vật có mâu thuẫn nội tâm sâu sắc, có nỗi đau không tưởng (tao không muốn giết nhưng tao phải làm thế). Cùng phương pháp này, J.K.Rowling đã tạo ra một trong những nhân vật tưởng-phản-diện-hoá-ra-không-phải đáng nhớ nhất - giáo sư Snape. Trái lại, Sasuke trở nên mất phương hướng, biến thành nhân vật tao ác không hiểu vì sao tao ác. Ban đầu, bản chất của Sasuke là một đứa trẻ tốt nhưng mụ mị vì báo thù (nên đáng thương, đáng cảm thông). Sau khi hết lý do báo thù ông anh, cậu ta lập tức tìm kẻ khác để... ghét, để báo thù. Sasuke đánh mất hết những khía cạnh gây đồng cảm với độc giả mà ban đầu cậu ta có. Cậu ta không phát triển qua các sự kiện bước ngoặt đã diễn ra mà dường như quay trở lại bước ban đầu: lại thù hằn, lại giết vì thằng nào đó làm hại cả nhà tao :).

Tuy rằng sau cùng Sasuke trở lại phe thiện, nhưng đã tạo ra một đoạn dài lung tung và mờ nhạt. Rất đáng tiếc với một khởi đầu xuất sắc như vậy.

Từ ngày mình học workshop ấy, mình đã xem phim, đọc sách khác hẳn đi. Mình hiểu hơn tại sao một nhân vật lại khiến mình thấy hấp dẫn, thú vị. Điều này giúp mình luôn có thể phân tích tường tận tại sao mình thích cái gì thay vì chỉ "tao thấy thích thì tao thích thôi!", hehe. 

Previous
Previous

Vì sao mình không muốn tới Neverland,

Next
Next

Khai bút đầu năm 2023,