Thành “nhà” hay không thành “nhà”,
Hôm rồi mình đọc được một bài viết kể chuyện bạn này cảm thấy buồn khi một người viết trở thành một nhà văn. Bỏ qua mấy cái ẩn dụ giải nghĩa hoa lá, mình hiểu ý chính của bài viết là nói về tình trạng khi người ta làm công việc viết lách để kiếm sống, chịu sức ép cơm áo gạo tiền và chiều lòng đám đông, có thể làm chất lượng sản phẩm của họ suy giảm. Họ không còn viết trung thực với lòng mình & trải nghiệm của bản thân nữa.
Vấn đề này có thể bắt gặp ở hầu hết mọi ngành nghề, không chỉ riêng nghề viết. Tuy mình đồng ý rằng có những trường hợp khi người ta biến sở thích/đam mê thành cần câu cơm, họ không giữ được sự trong trẻo và đôi lúc sự trong trẻo đó đồng nghĩa với chất lượng; nhưng mình không đồng tình với phần lớn bài viết.
Là một người có trải nghiệm từ cả hai phía: người sáng tác muốn được xuất bản & người làm xuất bản, mình nghĩ trở thành chuyên nghiệp là mục tiêu đáng để phấn đấu. Và nó vô cùng khó chứ không đơn giản mình xưng vậy là mình nghiễm nhiên được thừa nhận, tự nhiên biết chuyên nghiệp luôn. Từ nay ai gọi tôi là gì cũng chưa chắc tôi đã thành được như thế! Những cái cơm áo không đùa chỉ làm nản lòng những khách thơ chỉ muốn làm khách.
Có mấy cuốn sách mình vô cùng yêu thích, Daily Rituals: How Artists Work và Women at Work: How Great Women Make Time, kể về thói quen sinh hoạt hàng ngày của những tác gia, nhà khoa học… những bộ óc sáng tạo lớn của thế giới. Hầu như không ai trong số họ, đặc biệt là phụ nữ, không phải vật lộn với cuộc sống cả. Sức ép cơm áo gạo tiền không khiến tài năng của họ thui chột, làm họ bớt thật lòng với nghề. Có nữ nhà văn nọ, sáng bảnh mắt ra đã phải dậy, để có một tiếng được viết. Bà đứng viết cho kịp một giờ đồng hồ tự do sáng tạo rồi phải chăm lũ con, làm việc nhà, kiếm sống… Tác phẩm thì vẫn ra đều đều.
Người ta có thể nói, ra nhiều sản phẩm mà chất lượng kém, chỉ để kiếm tiền thì tốt lành gì?! Thế để một tác gia sống thảnh thơi, sung sướng, không phải lo nghĩ bất kỳ điều gì thì đảm bảo họ sẽ tạo ra kiệt tác hay sao? Không có gì triệt tiêu được 100% tác phẩm dở (và cũng không cần phải thế). Cách duy nhất để tăng tỷ lệ có tác phẩm tốt là người sáng tác tiếp tục sáng tác, ngay cả chỉ vì kiếm sống đi chăng nữa. Chỉ cần tiếp tục làm việc là còn cơ hội để tiến bộ.
Nếu thật sự coi trọng chất lượng của sản phẩm thì người viết hay nhà văn không phải vấn đề; tác giả có tự mãn về bản thân đến đâu cũng chẳng liên quan. Khi gán những ý kiến tiêu cực cho cái danh nhà văn là bạn đã có thiên kiến không công bằng với tác phẩm rồi. Trong cuốn Steal like an artist, tác giả Austin Kleon dẫn ra một định kiến phổ biến: lúc nghệ sĩ còn nghèo thì người ta yêu quý, dễ ủng hộ, lúc nghệ sĩ thành công thì á à mày mất chất rồi! Tất nhiên, không loại trừ những người lúc nổi tiếng thì xuống cấp, hời hợt với sản phẩm. Nhưng cũng không thể bỏ qua trường hợp định kiến trên thành rào cản với chính khán giả, ảnh hưởng tới ý kiến độc lập của họ khi thưởng thức các sản phẩm tốt (đang thích tác phẩm này xong thấy nhiều người cũng thích nên mình quay ra hết thích vậy á), cả những nghệ sĩ đang đà thành công và người muốn trở nên chuyên nghiệp.
Vậy thế nào mới là chuyên nghiệp? Đối với mình, đó là luôn làm hết khả năng, đúng & đủ yêu cầu (nếu làm cho khách), bất kể bạn mang danh gì, bất kể lúc đó đang gặp khó khăn hay chịu sức ép gì. Nếu lo ngại cái danh nhà văn sẽ làm mất đi đam mê trong trẻo, thật lòng thì ngược lại, lúc nào cũng nghĩ mình chỉ là một người viết thôi, hay nói rộng hơn - chỉ làm vì thích thôi không quan trọng kiếm sống được, cũng hạn chế khả năng dám nghĩ lớn, làm lớn lẫn cả việc dám nhận trách nhiệm. Bạn có quyền lựa chọn, biến đam mê thành cần câu cơm hoặc không; cứ mãi là người viết cũng tốt cả. Nhưng việc kiếm sống được bằng bất kỳ nghề gì (không phạm pháp, không trái đạo đức) đã là một điều đáng khen, đặc biệt với ngành sáng tạo. Mình có thể chẳng thích cuốn sách nào của bà nhà văn nọ, nhưng vẫn phục sát đất ý chí lẫn sự bền bỉ liên tục nhiều năm sáng dậy sớm viết lách rồi lại quần quật chăm con của bà. Ngay cả khi tác phẩm của bà không truyền cảm hứng cho mình, cách bà tạo ra chúng lại lay động cả tâm can.
Có lẽ ý tứ của bài viết mình nhắc tới khúc đầu, diễn đạt chính xác hơn là việc không thể chỉ nhận cái danh từ mà không làm cái động từ, tôi chỉ muốn là writer chứ tôi không hết lòng write. Người viết ám chỉ việc người ta tập trung viết chứ không tập trung vào việc được gọi hay tự xưng là gì. Nhưng nếu muốn truyền đạt ý như vậy thì đâu cần hạ thấp cái danh nhà văn. Từ nhà văn chẳng có tội tình gì. Nếu quan điểm của người ta viết hay tức là viết thật thì sao ạ?
Mình chỉ thấy buồn khi một người sáng tác mà mình thích không còn sáng tác nữa. Người ta tạo ra một hay vài tác phẩm dở không có nghĩa người ta sẽ không bao giờ tạo ra cái gì hay được nữa; nhầm đường lạc lối vẫn có thể quay lại. Người ta chỉ chắc chắn không tạo ra cái gì hay nữa khi người ta dừng sáng tác thôi.
Vậy nên bạn hỡi, không thích cái gì thì mình bỏ qua thưởng thức cái khác. Thế giới còn quá nhiều tác phẩm hay đợi ta tìm thấy. Và nếu bạn đang ôm mộng thành nhà văn/ nhà thơ/ hoạ sĩ/ nghệ sĩ, hãy trở thành cái gì bạn muốn, cứ tự tin quyết tâm sống được bằng nghề. Sợ gì!