Ngôi nhà của mình,

Mình cảm thấy quá trình tạo dựng một ngôi nhà thật sự của gia đình mình, không phải nhà bố mẹ, là một hành trình thú vị. Trước hết phải khẳng định rằng nhà chúng mình còn rất nhiều khiếm khuyết; do tự xoay xở hết chứ không thuê thiết kế nội thất. Budget của gia đình có hạn nên không thể mua sắm tẹt ga những đồ nội thất mình siêu thích, vì nếu thế mình sẽ mua cái đèn, cái ghế cả nghìn đô ( . _ . ) . Bài này là để mình “bán than”, những điều cần tránh khi sắp xếp, trang trí nhà cửa. Hi vọng bạn đọc sẽ nhặt nhạnh được đôi điều hữu ích, hoặc không, ít ra cũng giải trí tý chút.

TÔN CHỈ SỐ 1: Cứ từ từ!

Sai lầm đầu tiên mình mắc phải là vội vàng, sốt ruột. Mình muốn hoàn thiện nhà đẹp luôn như ảnh trên pinterest trong thời gian ngắn nhất có thể. Và vì cuống cuồng muốn xong xuôi mọi thứ, mình chọn nhầm rất nhiều; mà đồ nội thất đâu có rẻ, đâu có dễ thay. Mình còn muốn tiết kiệm chi phí mà đã tự lên gấu rèm cửa, thành ra bên cao bên thấp. Nói chung đã yếu không nên ra gió. Chưa kể mình cần thời gian để xác định xem bản thân thích style nội thất nào. Ê dù đây là chuyên ngành ĐH của mình, mình vẫn không dám chắc được cho tới khi mua một đống đồ và nhận ra chết mợ không ăn nhập cho lắm. Tệ hơn nữa là mua thừa nhiều thứ hoá ra mình không cần hoặc chả mấy khi dùng.

Vậy nên hãy cứ chậm rãi, thử từng khu vực một.

Góc nhìn từ đảo bếp ra phòng khách; lúc trước & hiện tại, khi bật & tắt đèn. Mình đã đổi rèm cửa, kê lại ghế và thêm tranh mới.
Rèm cửa hơi dài là do mình cố ý. Lúc đầu mình nghĩ để vậy trông thật ấm cúng, tung tẩy. Hoá ra mình nhầm.

Hình dung sơ lược về căn nhà mong muốn

Để dễ hình dung, chúng mình ngồi gạch đầu dòng một số điểm cốt yếu như:

  • Nhà mình hai đứa đều lười dọn dẹp. Nên đồ đạc càng tối giản, càng ít phải dọn càng tốt.
    Vd nhà mình không có sofa vì mình thấy sofa để bảo quản mất sức hơn, mua vận chuyển phức tạp hơn mà nếu muốn bỏ đi/ bán đi rất tốn kém (vứt rác to ở Nhật khá phiền phức).

  • Cần dùng bao nhiêu đồ mua bấy nhiêu. Không mua phòng xa.

  • Vibe hiện đại nhưng ấm cúng, đơn giản, dễ thở.

  • Xấu đẹp gì cũng nhất quyết phải sạch & gọn. Những thứ lắt nhắt như dây dợ, ổ cắm, cục wifi… đem giấu hết vào tủ.

Trong thời gian này, mình tham khảo nhiều clip chia sẻ kiến thức trên youtube, pin rất nhiều ảnh trên pinterest, follow nhiều tài khoản trên instagram, mua một số sách & tạp chí nội thất...

Một số kênh hay ho: Nick Lewis, Design Daddy, Jordan Samson hay kênh official của các hãng đồ nội thất như IKEA, Nitori, Unico, Fermliving, Lowya

Một cuốn khá hay về nội thất mình mua được. Cuốn sách chia thành những hạng mục cụ thể như: ánh sáng, mùi hương, chất liệu…

Lên kế hoạch chi tiết

Nhà mình làm danh sách & ước chừng tổng chi phí những đồ cần mua cho từng khu vực, bếp, phòng khách, phòng ngủ… Xếp theo thứ tự ưu tiên để biết cần làm cái gì trước. Sau đó mình làm một bản mockup trên máy tính, nhặt ảnh các món đồ mình muốn mua trên web các hãng đồ nội thất rồi xếp chúng lại cạnh nhau xem có hợp lý không (cả về thẩm mỹ lẫn chi phí).

Ví dụ như rèm thường phải làm trước. Trước khi treo rèm thì phải đóng thanh ray. Chọn loại ray và đóng ray ở vị trí nào cần phải quyết định sớm. Bọn mình đã không biết trước chuyện này, dẫn tới việc quyết vội, không cân nhắc được kỹ, rồi sau nhiều thứ muốn sửa lại rất khó.

Và hãy nhớ: ĐO ĐẠC MỌI THỨ. Đừng áng chừng, đừng phiên phiến, hãy đo thật chính xác. Bạn có thể hình dung được tương đối mỗi món đồ chiếm không gian ra sao trong căn phòng bằng cách dán băng dính (giấy) xuống sàn theo kích thước món đồ. Cách này rất hiệu quả, tránh việc mua phải đồ quá to hoặc quá nhỏ. Hoặc làm thẳng trên mặt bằng thiết kế, nếu bạn có chút kiến thức về kiến trúc.

Chọn đồ

Một số bí quyết nhỏ:

  • Tham khảo cách phối đồ trên kênh của các hãng nội thất

  • NHƯNG không mua toàn bộ sản phẩm của cùng một hãng để tránh nhà mình thành y chang showroom của hãng đó. Hãy mix nhiều thương hiệu khác nhau.

  • Đừng bỏ qua chợ đồ cũ. Bạn có thể kiếm được nhiều món độc đáo với giá phải chăng ở đây. Nhưng né sofa/ nệm cũ, mình bị ám ảnh nếu nhỡ có bọ rệp, hix.

  • Làm sẵn một palette màu (khoảng 3~5 màu + chất liệu) để lựa đồ theo. Tránh mua màu loạn xạ ngậu.

  • Đồ đạc tốt nhất hãy sờ tận tay xem tận mắt trước khi mua, giảm thiểu nguy cơ mắc sai lầm.

Đồ nhà mình trộn nhiều món của IKEA, Lowya, Nitori, Interform, Tansugen, Zarahome…

Mình không thích có đất trong nhà, vì hồi xưa trồng cây xong có đống rết bò ra, hix. Nên nhà chỉ để cây giả, chỉ cần có hiệu ứng/ hình ảnh cây xanh thì đều ổn cả. Thi thoảng mình sẽ cắm hoa tươi.

Ngoài ra, một thứ rất quan trọng là layer nhiều tầng chiếu sáng. Mỗi đèn trần là chưa đủ, nên có thêm cả các tầng ánh sáng thấp hơn, cùng các loại bóng đèn có thể thay đổi độ sáng lẫn sắc độ… Cái này mình thấy là yếu tố thay đổi cuộc chơi, khiến không khí của căn nhà ấm cúng hơn nhiều, cũng dễ chịu hơn cho mắt.

Biến nhà thành của mình

Việc học hỏi là cần thiết, nhưng nếu chỉ bê nguyên như tham khảo vào thì dù đẹp mắt cũng khó thấy bản thân mình.

Ở nhà, có mấy thứ rất quan trọng với mình như: ghế (vâng, si mê), sách, tranh. Tất cả những thứ này mình đều tự chọn từng món. Mình biết tên tất cả ghế trong nhà, biết từng bức tranh mình treo (có nhiều bức mình đã may mắn được xem cả bản gốc)… Mình không mua chung chung. Mình nghĩ những lựa chọn có chủ đích & nghiên cứu này sẽ thể hiện cá tính/ gu của gia chủ rõ nét hơn. Và mình thích những thứ trông buồn cười, nhảm nhí. Đống này chủ yếu do mình chọn vì bạn nhà khá dễ tính trong mấy khoản này.

Phòng khách - khu đọc sách

Ngoài ra thì lâu lâu mình sẽ xáo lại đồ đạc trong nhà, thay tranh, xoay bàn xoay ghế… cảm giác nhà mới mẻ hơn, cũng là để thử các cách kết hợp khác nhau. Sử dụng các loại nến thơm hoặc đốt tinh dầu cũng làm không gian thư thái hơn nhiều.

Vài thứ lặt vặt khác

Có những thứ phải khi chăm nhà của bản thân, mình mới rèn được. Ví dụ như làm đến đâu dọn đến đó, dọn thường xuyên thì nhanh và đỡ mệt hơn. Từng món đồ, từng loại vật liệu cần có cách chăm sóc, bảo quản khác nhau. Nhà mình có lịch dọn dẹp hàng tuần. Chứ mình cũng không muốn bị ám ảnh với việc dọn dẹp rồi cả ngày chỉ luẩn quẩn dọn dọn xếp xếp. Cái gì cũng tương đối thôi cho dễ thở.

Nhà mình là open layout, khu bếp nhìn thẳng ra phòng khách.

Vậy thôi, nếu có gì hay mình sẽ update thêm sau.

Previous
Previous

Những ngày bị ốm,

Next
Next

Không đáng kể,