Không đáng kể,

Trong tập 1 Tam thể, có một tình tiết mình rất thích, và không phải vì nó cảm động hay truyền cảm hứng tích cực gì. Trái lại, đó là một ví dụ tiêu cực về những cá nhân, những hành động (vốn) không-đáng-kể nhưng lại góp phần gây ra hậu quả khủng khiếp.
‼️ Đoạn này có spoiler, các bác chưa đọc sách & muốn đọc thì lướt qua luôn đi nhớ ‼️

Một tay phóng viên quèn đến khu lao động của Diệp Văn Khiết (nhân vật đóng vai trò cốt lõi tạo ra toàn bộ câu chuyện trong Tam thể). Tay này vốn không phải người xấu, nói chính xác hơn, không đủ cả trí lực lẫn dã tâm để trở thành kẻ phản diện. Anh ta viết một bức thư lên các cấp lãnh đạo, bày tỏ ý kiến phản đối việc khai thác rừng tràn lan (chính là ở khu lao động của bà Diệp).

Việc này về bản chất có ý tốt, xuất phát từ mong muốn vì một mục đích cao cả, to lớn hơn bản thân anh ta; khiến bà Diệp cảm kích, ngưỡng mộ. Tuy vậy, khi sự việc không trôi chảy như anh ta nghĩ, khi anh ta không trở thành tiếng nói lương tri dẫn dắt trong thời đại hỗn mang, anh ta lập tức "thí tốt" bà Diệp; để bà Diệp lãnh trừng phạt thay. Rõ ràng có ý định tốt thôi là chưa đủ, bắt tay vào hành động cũng vẫn chưa đủ. Phải theo tới cùng may ra mới tạo nên được tác động tích cực nào đó. Điểm cay đắng và muôn phần thực tế là anh ta không có thù hằn gì với bà Diệp, không chủ đích hãm hại bà ta. Bà Diệp chỉ vô tình ở thế rất... tiện để đổ tội. Tình tiết này vặt vãnh trong cuộc đời anh ta nhưng lại bồi đắp thêm niềm tin của bà Diệp rằng loài người tuyệt vọng, không thể cứu lấy chính mình; từ đó dẫn tới quyết định làm thay đổi số phận nhân loại.

Phần còn lại cuộc đời tay phóng viên quèn cũng quèn như một phút hèn mạt của anh ta. Tuy vậy, công bằng mà nói, cuộc đời của anh ta lặt vặt nhưng không phải chịu khổ sở vất vả gì mấy. Hậu quả anh ta góp phần gây ra chỉ xảy tới sau khi anh ta đã ngỏm tám đời. Như đã nói ở trên, nhân vật này còn không đủ tầm trở thành phản diện để "được" lãnh quả báo. Qua nhân vật này, ta thấy rằng một cá nhân nhỏ bé cũng có cơ hội để trở nên chính trực hơn, có ích hơn lựa chọn hèn hèn mà dễ dàng chỉ dẫn tới một số phận tầm thường. Nhưng thói đời con người hay chọn cái dễ tức thời, ưu tiên cảm giác an toàn trước mắt.

Mặt khác, trong thực tế, mình cũng thấy mệt với những “chiến binh công lý”, chuyện thiên hạ gì cũng sồn sồn lên như thể mình không lên tiếng thì công lý sụp đổ. Và trong không ít trường hợp: ngu dốt + nhiệt tình = phá hoại. Điều quan trọng cốt lõi, mình nghĩ là sự trung thực. Nôm na là có gì nói nấy. Mình làm mình chịu. Ta vừa cần đấu tranh bảo vệ lẫn dám nhận trách nhiệm cho sự thật của bản thân (cả hai việc đều đòi hỏi rất nhiều can đảm). Ta có thể là một hạt cát không đáng kể với thế giới, nhưng không thể không đáng kể với chính mình. Nếu tay phóng viên trong câu chuyện thành thật với việc anh ta đã làm, viết một bức thư gần như chẳng có sức nặng gì, lòng tin vào sự ngay thẳng của loài người trong bà Diệp hẳn bớt sứt mẻ đi nhiều.

Tuy vậy, có nhận thức được đúng đắn sự thật của bản thân hay không lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Thậm chí khó nhằn hơn rất nhiều. Mình nghĩ điểm này là sai lầm trí mạng của nhân vật Diệp Văn Khiết. “Sự thật” của bà đầy thiên kiến, đã vậy còn đem nó áp lên cả nhân loại. Thật khủng khiếp! Thành thật mà nói, nếu có quyền lựa chọn giống nhân vật Diệp Văn Khiết, mình đồ rằng sẽ có nhiều người chọn giống bà ta. Tất cả là vì tôi thất vọng với loài người quá!

Nhưng cũng chính vì vậy, sẽ luôn có những Sử Cường, dẹp mọi thuyết giảng văn hoa to tát (như cái đống tôi đã viết ở trên), chỉ tập trung giải quyết khúc mắc trước mắt thôi và đặt lòng tin vào sự bền bỉ của loài bọ :))). Nghe vớ vẩn mà lại hết sức đáng kể!

Previous
Previous

Ngôi nhà của mình,

Next
Next

1 phút “nổi tiếng”,