Một lời động viên,
Mình đang xem series hoạt hình Kotaro lives alone trên Netflix, kể về cậu bé Kotaro 4 tuổi sống một mình trong một khu tập thể. Có đoạn Kotaro bị ngã, xước hết cả đầu gối. Cậu phải tự rửa sạch vết thương và dán băng cứu thương. Sau khi làm xong, Kotaro sang nhà hàng xóm - một hoạ sĩ truyện tranh để xin một lời khen động viên. Kotaro giải thích rằng trước giờ cậu rất sợ việc sát trùng vết thương (tất nhiên rồi, đau mà), và đây là lần đầu tiên cậu đủ dũng cảm tự làm việc đó, thế nên cậu cảm thấy rằng mình rất xứng đáng nhận một lời khen.
Đoạn này, cũng như cả series phim này, vừa dễ thương vừa buồn thối ruột. Trẻ con hẳn nhiên rất cần những lời động viên, những lời khen khi chúng làm được việc gì đó dù nhỏ nhặt tới đâu. Chúng ta cũng dễ dàng trao những lời khen động viên ấy cho trẻ nhỏ hơn. Nhưng khi sống một mình lấy đâu ra ai mà khen cho?
Chuyện này khiến mình nghĩ tới một trong những thứ - trong vô vàn những thứ khiến đời sống người lớn thật khó khăn - chúng ta rất ít khi nhận được những lời khen động viên. Và hẳn nhiên người ta cũng ít nghĩ tới việc làm chuyện đó với người lớn, rất khác đối với trẻ con. Người lớn hẳn nhiên phải làm được xyz chuyện, lại còn cần phải khen sao?! Ai hơi đâu (thực lòng) suốt ngày vuốt ve cái tôi của người khác? Khi bước vào tuổi trưởng thành, chúng ta phải nhận những lời phê bình vì những thứ chúng ta chưa biết làm nhiều hơn là những thứ chúng ta đã làm được. Ngay cả những chuyện nghe chừng nhỏ nhặt.
Ví dụ suốt từ bé đến lớn, gia đình bạn không ăn rau bí bao giờ, vì đơn giản bố mẹ bạn không thích món đó. Nhưng bạn ra mắt gia đình người yêu và hôm đó nhà người yêu nấu rau bí. Hẳn nhiên bạn không biết cách nhặt rau bí. Có thể bạn sẽ bị bĩu môi chê lớn chừng này rồi mà không biết nhặt rau bí. Nhưng nếu bạn biết làm, bạn nghĩ liệu có ai khen bạn biết nhặt rau không?
Khi lớn, hẳn nhiên chúng ta có nhiều trải nghiệm hơn, nhiều va vấp hơn và thường việc đó sẽ khiến chúng ta cứng cáp, vững vàng hơn trước những áp lực cuộc sống nhưng không có nghĩa chúng ta bất khả xâm phạm. Tiêu chuẩn để nhận được lời khen, lời động viên sẽ chỉ tăng cao qua thời gian chúng ta lớn lên, già đi. Và chúng ta được dạy, được kỳ vọng rằng là người lớn thì phải biết kiểm soát bản thân, phải độc lập, tự cường, không làm phiền người khác vì người lớn nào cũng vất vả vậy thôi. Tất nhiên, đó đều là những điều tốt. Nhưng mặt trái của việc này là người lớn thường ít dám bộc lộ nỗi khổ hơn, mấy ai dám trực diện đi xin lời khen như Kotaro.
Khi bé, chúng ta được thoải mái khóc, cười mọi lúc chúng ta cần khóc, cần cười. Chúng ta ít khi phải kiềm chế thành dồn nén như lúc lớn. Ai đang làm người lớn hẳn đều từng đôi lần thấy muốn bật khóc vì những chuyện vớ vẩn không thể chịu nổi, tự dưng không tìm được cái dây buộc tóc chẳng hạn. Không phải vì mất một cái dây buộc tóc, mà bởi đã rất rất nhiều chuyện không được phép khóc trước đó.
Đôi lúc mình gặp phải những chuyện khiến mình muốn khóc. Chức năng làm người lớn của mình hoạt động hết công suất, nhắc nhở mình rằng không nên than vãn, không nên trút lên người khác (vì ai cũng bận và ai cũng có những nỗi phiền muộn cả), hãy làm việc chăm chỉ đi! Mình e ngại rằng những chuyện như vậy dưới mức tiêu chuẩn để có thể nhận được những lời động viên. Ý mình là những lời động viên chân thành, không kèm theo những đánh giá ẩn (lớn rồi sao còn không làm được mấy chuyện này?) sau đó. Vì không cần ai nói/ nghĩ thì mình cũng đã tự đánh giá bản thân rồi.
Đã bao lâu rồi bạn không nhận được một lời động viên tử tế? Lần gần nhất bạn động viên một người lớn khác là bao giờ?