Tuyệt đối an tâm,

Enoshima, một ngày hè.

 
 

Hồi trước mình xem phim The Good Doctor, kể về một bác sĩ thiên tài tên Shaun mắc chứng tự kỷ, có chi tiết là: Shaun vốn không biết ăn nói khéo léo trong các tình huống giao tiếp thường ngày, cậu thường nói thật & thẳng tất cả mọi thứ. Cậu khám cho một bệnh nhân xong và khi bệnh nhân hỏi tôi có khoẻ mạnh không, Shaun nói... thật, là giờ chưa thể khẳng định điều gì, luôn có nguy cơ xyz này nọ. Và chuyện đó khiến bệnh nhân nọ vừa căng thẳng, lo lắng, vừa tức giận. Lúc ấy, vị giám đốc bệnh viện, cũng là mentor của Shaun kịp thời can thiệp, giải quyết vụ việc. Ông khẳng định chắc chắn với bệnh nhân kia rằng ông hoàn toàn khoẻ mạnh, không có vấn đề gì cả đâu nhé.

Shaun vô cùng bối rối, hỏi mentor của mình là sao lại nói dối bệnh nhân. Vị giám đốc đáp lại rằng người bệnh luôn cần sự khẳng định chắc chắn, cho dù trên thực tế thì gần như chẳng có gì chắc chắn được đến mức đó. Cái gì cũng chỉ mang tính thời điểm.

Đó là chi tiết mình nhớ nhất trong series phim đó. Mình thấy nó đúng với rất nhiều thứ, không chỉ chuyện đi khám bệnh. Sự khẳng định luôn đem lại cảm giác an tâm, chắc chắn. Và có lẽ bản chất loài người luôn hướng tới những thứ an toàn như vậy. Trong trải nghiệm cá nhân của mình, mình không gặp nhiều người chấp nhận được sự không chắc chắn, không tuyệt đối của mọi thứ trên đời. Ví dụ một chuyện thường gặp, xã hội và xã hội Việt Nam nói riêng căm ghét những kẻ thứ ba, trà xanh, tuesday... Không chỉ trong đời thực, mà ngay trong các tác phẩm phim ảnh, sách truyện, người thứ ba cũng thường bị tô vẽ, bị nhìn nhận là ác quỷ, là phá vỡ hạnh phúc gia đình. Mình nhớ phần review cuốn Những cây cầu quận Madison trên goodreads như một bãi chiến trường đạo đức vậy. Đây là một chủ đề rất dễ gây trigger với nhiều người, đặc biệt là chị em phụ nữ. Nếu bạn nói gì mà không phải thể hiện sự căm ghét tuyệt đối với những kẻ thứ ba thì đồng nghĩa bạn đang bênh vực, ủng hộ ngoại tình hoặc chính bạn là một kẻ ngoại tình. Và công chúng nổi giận với những kẻ thứ ba trong cuộc tình của người khác như thể chính hạnh phúc của họ đang bị tàn phá vậy. Nguồn cơn của chuyện này là gì?

Chắc sẽ có những nghiên cứu tâm lý học hẳn hoi cho những câu hỏi này. Nhưng suy nghĩ hết sức cá nhân của mình cho rằng do một bộ phận không nhỏ con người vẫn muốn tin vào tình yêu mãi mãi và sự tồn tại của những kẻ thứ ba phá nát niềm tin ấy. Sự chung thuỷ, đồng nghĩa với sự ổn định, chắc chắn, thậm chí tuyệt đối, là đặc tính luôn được đánh giá cao, được khao khát. Tất nhiên, đó là một đặc tính tuyệt vời ở một người bạn đời. Tuy vậy, mình nghĩ đó là một hành trình, một thứ cần phải vun đắp hàng ngày. Mới cưới đã thề yêu nhau cả đời thì... cũng khó. Ý mình là đó là một mục đích đáng để phấn đấu, nhưng không phải thứ tuyệt đối có thể khẳng định ngay từ đầu. Rất nhiều thứ có thể xảy ra chúng ta không lường trước được.

Giống như chi tiết trong The good doctor, bây giờ anh đang không có bệnh gì, không có nghĩa anh sẽ không bao giờ mắc bệnh. Anh chỉ có thể cố gắng sống lành mạnh để giảm thiểu tối đa khả năng bị bệnh. Trước kia, bây giờ chúng ta yêu nhau, và chúng ta sẽ cố gắng để luôn hoàn thiện bản thân, và "tán tỉnh" người kia để giảm thiểu tối đa khả năng chúng ta hết yêu nhau và đi yêu người khác mất. Nhưng tất nhiên, thiếu một lời thề yêu nhau trọn đời dường như làm đám cưới bớt lãng mạn đi hẳn, làm mong ước về tình yêu bất diệt của chúng ta bớt hường phấn, khiến chúng ta thấy bất an và lung lay. Mình đã luôn nói, mình là đứa lãng mạn, mình tin tình yêu có thật, không có nghĩa là mãi mãi, cũng không có nghĩa không có tình yêu mãi mãi, một tình yêu không kéo dài mãi cũng không có nghĩa nó không thật.

Có một anh bạn cùng lớp mình, một người đã từng ly hôn, khẳng định chắc nịch rằng không có thằng đàn ông nào không bao giờ ngoại tình trong đời. Sự tuyệt đối, dù là tích cực hay tiêu cực đều không thuyết phục mình. Nếu sự tuyệt đối tích cực (vd tình yêu đích thực là mãi mãi) dễ đem lại áp lực lẫn sự thất vọng lớn lao, thì sự tuyệt đối tiêu cực (đàn ông ai cũng ngoại tình) cản trở những nỗ lực theo đuổi kết quả tốt, như kiểu chưa làm đã nghĩ thế nào cũng hỏng nên chắc chắn sẽ hỏng ấy.

Tương tự với hầu hết các tranh cãi, đám đông có xu hướng thích những ý kiến tuyệt đối. Vì chúng gây ấn tượng an tâm rằng chúng đúng hoặc ít nhất cũng tự tin rằng mình đúng. Ai gắt nhất, ai nói to nhất sẽ nhiều người nghe theo. Những ý kiến trung lập dễ bị coi là ba phải, hoặc đôi lúc tệ hơn là tiếp tay cho cái xấu.

Trong cơn hỗn loạn của lo âu, mình nhận ra càng sớm thừa nhận sự bình thường của chúng, càng sớm bớt suy nghĩ về chúng; và thôi cố gắng theo đuổi sự tuyệt đối an tâm. Mất sức quá!

 
Previous
Previous

Một lời động viên,