Chuyện đến với nghề vẽ,

 
 

Chuyện nghề nghiệp của mình là một con đường tương đối thẳng thớm. Mình hầu như luôn luôn biết mình muốn gì, thích gì kể từ khi mới là một đứa trẻ mẫu giáo. Rất ít khi dao động. Mình cũng là đứa trẻ hay được khen có năng khiếu, hay một tác giả trẻ nhiều tiềm năng (đây là niềm vui thủa ban đầu dần biến thành cơn ác mộng. Mình sẽ nói rõ ở đoạn sau).

Từ nhỏ, cũng giống như nhiều đứa trẻ khác, mình rất thích vẽ, rất thích nghe chuyện, thích kể chuyện. Còn một câu chuyện mình và đứa em thân thiết sáng tác hồi mình 10 tuổi (em mình 9 tuổi) vẫn giữ được tới giờ, tên là Vương quốc Hoa quả, kể về dũng sĩ Dưa Hấu giải cứu vương quốc hoa quả khỏi đám sâu hại, rồi cưới được công chúa Chuối (con đức vua Cà chua). Sau hai người đẻ ra hoàng tử... Dưa chuột (nghe nó lại hợp lý vl).

Còn rất nhiều "tác phẩm" khác đã bị thất lạc, không may mắn được người lớn lưu giữ hộ cho như Vương quốc hoa qủa. Mình nhớ còn có truyện gì mà ăn nho xong nhổ hạt bừa bãi thế là cây nho mọc lên khổng lồ, quấn lấy người trả thù (. _ . ) (so dark, I should sell it to DC). Hay truyện về các bạn Tròn, Vuông, Tam Giác (nhân vật có hình dạng đúng như vậy) học cùng lớp 1, về sau xuyên không về quá khứ quậy tưng bừng.

Tuy vậy, trong cuốn lưu bút hết cấp 1, mình có viết ước mơ sau này trở thành... tiến sĩ. Tiến sĩ gì thì không biết. Có lẽ đây là ảnh hưởng từ sự mê việc học giỏi, con nhà người ta của mẹ mình. Mình nghĩ viết thế nghe có vẻ... ngầu. Với cấp 1 mình cũng học giỏi đi, hehe. Tưởng thế đã đủ để làm tiến sĩ.

Về sau, nhờ sự kỳ thị và ám ảnh với môn Toán, mình càng chắc chắn muốn theo ngành Mỹ thuật hơn. Vì biết thi Mỹ thuật không phải thi Toán. Cấp 2 mình có được bố mẹ cho đi học vẽ ở Cung thiếu nhi Hà Nội, sau đó là Cao Đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Mấy lớp học này với mình đều rất vui và nhiều... vinh quang. Ông thầy dạy ở Cung thiếu nhi của mình là một nghệ sĩ điêu khắc, theo phong cách đương đại, trừu tượng. Thầy rất là hay ho, toàn đem artbook của danh hoạ thế giới cho học trò xem rồi còn chép tranh lại. Thầy giới thiệu Dali cho bọn trẻ con một cách rất buồn cười, vẫn nhớ đoạn ông ý tả tranh Dali eo ơi hai người ngồi múc thịt nhau ăn nè. Nếu thầy khen tranh ai sẽ luôn có giải thích cụ thể tại sao tranh này đẹp, đẹp ở chỗ nào. Khi học lớp ở CĐ nghệ thuật Hà Nội thì cao cấp hơn một chút. Đây là nơi mình bắt đầu được làm quen với vẽ hình hoạ (từ vẽ khối cơ bản) và sử dụng màu bột. Mình nhớ ông thầy dạy mình rất hay hút thuốc lá, có lần làm rơi tàn thuốc lá làm cháy cái balo của mình.

Ngày nhỏ mình vẽ rất nhiều. Vô cùng say sưa. Bố mình đi công tác có lần mua cho mình cả một vali màu dạ. Xinh ơi là xinh ấy. Ngoài bìa có hình cô bé dưa hấu trên bãi biển. Mình đã xách cái vali con con màu đó đi thi vẽ ở trường và được giải nhì (nhớ là được thưởng hộp màu và vinh danh trong buổi chào cờ đầu tuần). Về sau có hôm mẹ mình tức ông anh mình bỏ học đi chơi điện tử đã ném vỡ đôi cái vali màu của mình, làm mình khóc mất mấy hôm.

Hồi cấp 1 trường mình (trường Thực Nghiệm đó) có truyền thống treo tranh học sinh khắp trường. Các cô giáo dạy mỹ thuật sẽ là người chọn tranh. Không năm nào quyển vở vẽ của mình còn trang nào hết. Hồi ấy bố đóng ghim vở vẽ bằng giấy A4 cho mình. Cô giáo Mỹ thuật mình lúc nào cũng kêu sao bố em đóng chắc thế này không tài nào xé được. Về sau mình cũng bảo bố khỏi phải đóng chắc vì đằng nào các cô cũng xé hết vở của con thôi.

Lên cấp 2 mình có phi vụ vẽ hộ tranh cho nửa lớp. Xong tranh vẽ hộ toàn được 10 mí lại cô đem khoe khen nức nở. Tranh vẽ cho mình thì được 8 điểm thế là mình ngồi khóc tu tu. Cô giáo lại cứ tưởng mình ganh vì bạn được điểm cao hơn. Mà mình thì ko dám nói là tranh kia cũng em vẽ cô ơi. Còn có lần mình vẽ con mèo đang nằm gãi tai, ông thầy mình một mực em nhờ người lớn vẽ đúng không. Mình bảo em vẽ mà. Thầy bảo em can lại tranh đúng không. Nói chung thầy nhất quyết không tin trẻ con cấp 2 vẽ được con mèo thế á. Mà thôi... kệ thầy, được cái thầy đẹp trai nên thôi tha thứ đi!

Lên cấp 3, mình nằng nặc đòi thi ĐH Mỹ thuật. Và từ đây nổ ra cuộc chiến dai dẳng đầy nước mắt với bố mẹ mà mình đã từng kể rất nhiều trên blog này. Sau cùng bố mẹ cũng chịu thua và cho mình đi học ôn thi vẽ. Cái lớp luyện thi của mình có lệ là bài tốt (bài bố cục màu) của khoá trước sẽ để lại để các em sau chép lại luyện tập. Mình chép được hai bài thì chán quá, tự nghĩ luôn thì từ ấy toàn được giữ bài lại. Rồi đến lúc chuẩn bị thi, cái cô chủ lò luyện thi đấy lại đề nghị bán lại mấy bài đó cho tụi mình (những đứa được giữ bài làm mẫu) để làm tài liệu ôn thi (hồi đó vẫn còn trò lén mang ảnh bài mẫu thu nhỏ vào phòng thi để chép cách phối màu đó). Các bạn có thấy đcmn ko hahhahahahahahahhaahah. Thế là mình tung hê, đã vẽ ra được mấy bài đó thì sợ đếch gì đi thi không nghĩ ra được. Mình hồn nhiên đi thi không tài liệu gì sất. Thế cho nó trong sạch, sòng phẳng.

Sự vụ đi thi ĐH của mình cũng đầy kịch tính. Mình chơi hẳn cả tuần trước khi thi. Đùng cái đến hôm thi thì mình lăn quay ra ốm. Mình nhớ hôm đầu thi văn đầu óc mình choáng váng, vừa tay cầm bút viết, tay còn lại giữ khăn mùi soa vì nước mũi chảy ra không ngừng, người nóng hầm hập (mình được 6.5 văn, bị ông thầy dạy văn chửi cho một trận viết lách thế nào được có 6 điểm rưỡi thế hả). Mình thi hai môn vẽ, còn là 1 môn 6 tiếng, 1 môn 8 tiếng. May nhờ hai môn vẽ điểm cao nên mình vẫn thừa điểm đỗ vào trường trong sự bàng hoàng của rất nhiều người. Nhất là cái bà giáo lò luyện thi định bán lại bài của mình cho mình.

Sau khi đỗ ĐH, mình bước vào 5 năm cuộc đời đầy sóng gió, đồng thời có dấu ấn bước ngoặt đáng nhớ.

Năm đầu tiên học đại cương, chưa phân chuyên ngành. Đây cũng là một trong những điều đáng tiếc của mình ngày đó. Lẽ ra mình nên học đại cương cẩn thận và tử tế hơn. Năm đại cương có những môn quan trọng nền tảng cho việc vẽ lâu dài như hình hoạ, ký hoạ, nghiên cứu thiên nhiên hay giải phẫu. Mình học hành láng cháng vđ *ôm đầu*. Thi thoảng mình vẫn có những bài điểm cao... vô tình giỏi giang. Mình đã ghi lại trong cuốn My poetic life. Tuy vậy, hết năm đầu điểm tổng kết của mình rất cao :v, đứng thứ hai toàn khoá đấy. Đủ điểm để đạt học bổng, nhưng mình đã bị cắt học bổng. Chi tiết vụ drama này mình cũng đã từng kể trên blog (bài nào thì mình quên rồi).

Vì vụ điểm cao nhì khoá (một khóa chia thành 4 lớp), (và tất nhiên) nhất lớp mình, mình bị mấy đứa trong lớp suốt ngày cà khịa, kìa "học giỏi nhất lớp" (ts chẳng nhẽ bảo rõ ràng giỏi hơn chúng mày?! Xong chấm bài vẫn chụp bài tao?!). Mình thi được 10 điểm tiếng Anh (a bờ cờ, hello goodbye dễ lắm), xong bị bọn lớp móc mỉa là làm được bài ko nhắc các bạn :) :) Nhưng có đứa nào hỏi bài mình đâu ơ kìa ơ kìa?! Nói sơ sơ vậy để thấy mình drama tràn trề bể phốt từ thầy cô cho tới bạn bè.

Hồi ấy mình rất là mong manh dễ vỡ, "trái tym" dễ sinh sự, gặp những va chạm đầu đời đã muốn bỏ cuộc. Mình đã định bỏ học ngay năm nhất. Mà sau vẫn phải cắn răng cố nốt. Liên tiếp là những quyết định sai lầm. Trường dựa vào điểm tổng kết năm nhất để xét duyệt chuyên ngành. Mấy ngành hot (như nội thất hay đồ hoạ) tất nhiên yêu cầu điểm cao (đấy là trường nói thế chứ cũng chẳng biết thực hư thế nào). Ngày đó mình nghĩ mình phải thực tế, đứng đắn lên thôi, không thể vớ vẩn mãi. Với điểm cao thế này, mình chắc chắn vào được bất kỳ khoa nào mình chọn. Thế là mình chọn nội thất với suy nghĩ nội thất sau này... kiếm được nhiều tiền. Nhưng mình quên mất là muốn kiếm được nhiều tiền thì mày phải biết làm nghề đã :) . Điều nuối tiếc thứ hai thời ĐH là mình đã không đăng ký vào một khoa vui vẻ, đúng như con tim =)). Mình luôn nghĩ nếu mình chọn khoa đồ chơi hẳn thời ĐH của mình sẽ rất phấn khởi. Mình thích làm những thứ vui vẻ, nhố nhăng, đáng yêu, hạnh phúc.

Những quyết định dối lòng khiến mình khổ sở suốt 4 năm học còn lại. Thật sự khổ sở. Mình luôn trong tình trạng không biết mình đang học cái gì, mình đang làm cái gì, sau này có tự kiếm sống được không... Mình nhận ra một sự thật nghiệt ngã rằng: có rất nhiều đứa trẻ được nhận định là có năng khiếu, vẫn có thể chúng lớn lên chẳng thành cái gì cả, chẳng đạt được thành tựu gì đáng kể.

Từ đó mình luôn tự nhủ với bản thân là không bao giờ, không bao giờ đi ngược lại với lòng mình, không vì bất cứ lý do gì, nếu không muốn phải khổ sở rất lâu sau đó.

Đến cuối năm thứ 2, mọi sự có khởi sắc thêm "nhiều" chút. Lúc này mình bắt đầu đi học thêm một trường nữa - trường OMEGA. Mình đã học song song hai trường thiết kế cùng một lúc (mình còn tham gia hội sinh viên AIESEC nữa hahahaha, hoang tưởng bản thân là có thể chạy được hết mọi thứ). Mình là khoá đầu tiên cũng là cuối cùng của OMEGA. OMEGA là một dự án thử nghiệm của trường Arena FPT. Ở OMEGA mình gặp được một trong những người thầy giỏi nhất (và có tâm nhất) trong suốt quãng đời đi học của mình, và những người bạn mình còn chơi đến tận bây giờ. Nhờ có OMEGA, mình đã có những kiến thức nền tảng về graphic design, đặt tiền đề cho việc học nhiều thứ khác của mình sau này.

Sang đến năm thứ 3, mình có cuốn picture book đầu tiên được xuất bản, nhờ một cuộc thi - dù ko được giải - với Room to Read Vietnam. Đây là một dấu mốc quan trọng với mình. Mình không cảm thấy hoang mang nữa. Và không chỉ ở việc có sách được xuất bản, mà còn ở phản ứng của những đứa trẻ khi đọc sách của mình. Sự yêu thích sâu sắc, mãnh liệt (kiểu thuộc lòng cả cuốn sách - mình viết ra còn không nhớ được thế, hay tối nào cũng đòi ôm vào giường ngủ cùng, tự đóng vai các nhân vật rồi diễn kịch...) của chúng nó khiến mình tin tưởng rằng mình đã tìm được con đường phù hợp rồi.

Sẽ có một vài khoảnh khắc may mắn trong cuộc đời, bạn được trải qua một cảm xúc sâu đậm, một cảm giác đúng đắn vô cùng - là giây phút bạn sẽ có thể bám lấy suốt về sau mỗi lúc bản thân muốn từ bỏ. Không phải lúc nào mình cũng thấy tự tin. Mình khủng hoảng không ít (và không nhẹ). Có cả những khoảng thời gian cả bạn thân cũ bảo mình đã hết sáng tạo rồi đó. Khi ấy mình luôn nhớ lại những câu chuyện đầu tiên từng viết/ vẽ, nhớ rằng mình đã từng có thể làm một vài đứa trẻ vui vẻ, phấn khích thì mình cũng có thể làm điều ấy một lần nữa.

Mình không có một mục đích hay mơ ước dài hạn, giả sử như trở thành một tác giả nổi tiếng bậc nhất VN. Mình chỉ có từng mục đích nhỏ. Như trước khi mình được xuất bản cuốn Nắng ơi là nắng, mình chỉ nghĩ muốn được xuất bản MỘT cuốn sách. Thế thôi. Mình chỉ tập trung vào điều đó thôi.

 
Previous
Previous

Có còn cần đọc truyện cổ tích?

Next
Next

Một lời động viên,