Có còn cần đọc truyện cổ tích?

TRUYỆN CỔ TÍCH LÀ GÌ? CHÚNG ĐẾN TỪ ĐÂU?

Dưới đây là định nghĩa từ sách ngữ văn của Việt Nam:

Truyện cổ tích là những truyện truyền miệng dân gian kể lại những câu chuyện tưởng tượng xoay quanh một số nhân vật quen thuộc như: người tài giỏi, dũng sĩ, người mồ côi, người em út, người con riêng, người nghèo, người có hình dạng xấu xí, người thông minh, kẻ ngốc nghếch và cả những câu chuyện kể về các con vật biết nói năng và hoạt động như con người.

Căn cứ vào nhân vật chính và tính chất sự việc được kể lại, có thể chia truyện cổ tích làm 3 loại :Truyện cổ tích về loài vật, truyện cổ tích thần kỳ, truyện cổ tích thế tục (cổ tích sinh hoạt).

Khái niệm rộng hơn về Fairy Tales (lược dịch từ wikipedia):

Truyện cổ tích, truyện thần tiên, truyện ma thuật, truyện về tiên hay Märchen (từ tiếng Đức cho truyện cổ tích) là một ví dụ của thể loại văn học dân gian dưới dạng truyện ngắn. Những câu chuyện này thường kể về các nhân vật thần thoại như: người lùn, rồng, yêu tinh, tiên nữ, người khổng lồ, yêu tinh, Griffins (thân sư tử, đầu & cánh đại bàng), nàng tiên cá, động vật biết nói, troll, kỳ lân hoặc phù thủy và thường có ma thuật hoặc bùa ngải. Trong hầu hết các nền văn hóa, không có ranh giới rõ ràng phân biệt thần thoại với truyện cổ tích hay dân gian; tất cả cấu thành nên văn học của các xã hội tiền sử. Truyện cổ tích có thể được phân biệt với các truyện kể dân gian khác như truyền thuyết (thường liên quan đến niềm tin vào tính xác thực của các sự kiện được mô tả) và truyện có bài học đạo đức rõ ràng, bao gồm cả truyện ngụ ngôn về loài vật.

Hầu hết những truyện cổ tích quen thuộc chúng ta biết ngày nay đến từ các nguồn sau:

1- Charles Perrault (1628–1703)

Là một quý tộc Pháp, người về cơ bản đã tạo ra thể loại truyện cổ tích 100 năm trước. Ông đã ghi chép lại những câu chuyện dân gian của Pháp, thêm thắt hoàn thiện chúng. Tiêu biểu như Cô bé quàng khăn đỏ, Người đẹp ngủ trong rừngChú mèo đi hia. Anh em nhà Grimm đã dịch và chỉnh sửa phiên bản Lọ Lem (Cendrillon) của ông và đưa nó vào bộ sưu tập của họ với tên Ashenputtel.

2- Gabrielle-Suzanne Barbot de Villeneuve (1685 -1755)

Bà là một nhà văn quý tộc Pháp và là tác giả của Người đẹp và Quái vật - tác phẩm không dựa trên một câu chuyện dân gian cụ thể nào nhưng một phần lấy cảm hứng từ thần thoại Hy Lạp về Thần Cupid và Psyche.

3- Giambattista Basile (1566–1632) một nhà thơ người Ý, người đã ghi lại một số phiên bản cổ nhất được biết đến của nhiều truyện cổ tích châu Âu, bao gồm Rapunzel. Trước khi anh em nhà Grimm lấy Cendrillon từ Perrault, Perrault đã lấy nó từ Basile.

4- Anh em nhà Grimm (1785–1863 & 1786–1859) Hai anh em người Đức, làm thủ thư ở toà án, nghiên cứu tiếng Đức cổ và văn học trung đại. Họ đi thu thập, chép lại các câu chuyện dân gian Đức với chủ đích ban đầu để thống nhất hơn 200 quốc gia nói tiếng Đức, bằng những câu chuyện họ tin rằng là linh hồn, tinh thần người Đức.

Khi họ xuất bản cuốn sách đầu tiên, nó không dành cho trẻ em. "Những câu chuyện về trẻ em và gia đình" là một tuyển tập học thuật. Đó là công việc của các học giả, được biên soạn và dành cho người lớn. Những thứ họ ghi chép lại có tình dục, bạo lực, loạn luân và chú thích phong phú. Những câu chuyện từ dân gian, nông dân có nhiều màu sắc đen tối.

Họ thu thập các câu chuyện từ nhiều nguồn: những người nông dân, bạn bè, gia đình trung lưu và những người hầu, một số đến từ các nguồn văn học. Ví dụ như Người đẹp ngủ trong rừngHansel và Gretel đến từ vú em và gia đình của một người bạn hàng xóm tên là Dortchen Wild.

5- Hans Christian Andersen (1805 - 1875), ông không sưu tầm truyện từ dân gian, mà sáng tác mới theo phong cách truyện cổ tích (cũng có những tác phẩm dùng tích cũ). Ông nổi tiếng với những tác phẩm như: Nàng tiên cá, Bà chúa tuyết, Chú lính chì dũng cảm...

Trước khi có khái niệm Fantasy (truyện giả tưởng), rất nhiều tác phẩm chúng ta quen thuộc ngày nay như Chúa nhẫn (Lord of the Ring) cũng được xếp vào Fairy Tales. Nếu Andersen được xuất bản ở thời đại này, có thể nhiều tác phẩm của ông cũng được xếp vào Fantasy.

6- GS. Nguyễn Đổng Chi (1915-1984) là một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, nguyên Trưởng ban Hán Nôm, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ông là người đầu tiên theo đuổi công việc sưu tầm ghi chép truyện cổ Việt Nam một cách khoa học và hoàn chỉnh hơn cả. Tác phẩm của ông gồm ba phần, mà phần thứ nhất và phần thứ ba là hai công trình nghiên cứu rất bổ ích để hiểu và đánh giá lĩnh vực truyện cổ tích trong văn chương truyền miệng Việt Nam.

ĐỌC TRUYỆN CỔ TÍCH ĐỂ LÀM GÌ?

Truyện cổ tích, giống như phim ảnh, giúp chúng ta giải trí, giáo dục, mở rộng quan điểm, phản ánh lịch sử, quan điểm, góc nhìn của nền văn hóa, giúp phát triển sự đồng cảm, trí tưởng tượng.

Truyện cổ tích thường được coi như một trò giải trí thuần túy, đặc biệt với trẻ em. Tuy nhiên, gần đây, người ta đã nhận ra rằng truyện cổ tích đề cập đến những chủ đề sâu sắc và phức tạp hơn vẻ ngoài đơn giản của chúng. Tính biểu tượng của truyện cổ tích cũng đã chín muồi (tuy vậy, vẫn cần xem xét bối cảnh, thời kỳ của tác phẩm, kẻo lại suy diễn quá mức).

Trong bối cảnh của các nền văn hóa cụ thể, các câu chuyện truyền thống thường dùng để giáo dục khán giả, bằng cách đưa ra minh hoạ về những hành động đúng và sai. Những hậu quả được kể bằng nhiều hình thức kịch tính, hấp dẫn là cách tốt nhất để chúng ta ghi nhớ những bài học đó. Cô bé choàng khăn đỏ đi chệch khỏi con đường dẫn tới việc cả cô bé lẫn người bà đều bị ăn thịt, nhắc nhở chúng ta tuân theo các quy tắc và tiếp tục đi đúng đường (ẩn dụ). (Lưu ý: đây là cách dạy kiểu xưa, chưa chắc đã phù hợp với hiện tại)

Hơn hết, mình nghĩ, truyện cổ tích là chất liệu nền tảng, một viên gạch của văn hoá, lịch sử, kết nối, tạo nên danh tính (identity) của một dân tộc/ nền văn hoá. Việt Nam hẳn sẽ bớt rõ nét đi nếu thiếu những Cây tre trăm đốt, Cóc kiện trời, Sự tích Trầu Cau, Tích Chu... Nếu không biết, không hiểu gốc rễ của mình, sẽ rất dễ bị lạc lối, dễ bị hoà tan danh tính.

TRUYỆN CỔ TÍCH CÓ CÒN PHÙ HỢP VỚI HIỆN TẠI?

Đây có lẽ là khía cạnh gây ra nhiều tranh cãi nhất.

Chúng ta nên ghi nhớ bối cảnh ra đời các mẩu truyện cổ tích, cách chúng được ghi chép lại, những người đã ghi chép chúng. Không chỉ khác biệt về thời đại, bối cảnh xã hội, còn là đã qua rất nhiều bộ lọc, biên tập, tinh chỉnh của một số cá nhân nhất định. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, truyện cổ tích không phân biệt giới tính nhiều như chúng ta tưởng: nhiều câu chuyện có nữ chính mạnh mẽ tự cứu mình chứ không nằm ngủ hàng trăm năm chờ hoàng tử tới cứu. Những tác phẩm quen thuộc chúng ta biết tới đã được gọt giũa, lựa chọn bởi hầu hết những người đàn ông (chủ yếu là quý tộc) của cả mấy thế kỷ trước.

Vậy nên, ĐÚNG là có những truyện cổ tích, một số cách thể hiện, cách kể đã lỗi thời. Bản thân các tác phẩm ấy cũng đã thay đổi rất nhiều qua thời gian. Phiên bản Lọ Lem giờ chúng ta đọc đã khác nhiều với phiên bản anh em Grimm viết ra. Mục đích sử dụng của chúng đã thay đổi. Điều thú vị của văn học dân gian là chúng ta có quyền tham gia vào việc sáng tạo, chỉnh sửa chúng cho phù hợp - chúng ta là dân còn gì.

Nếu để ý, bạn có thể thấy thế giới đã và đang làm việc này rất hiệu quả. Ví dụ như Thor trong vũ trụ siêu anh hùng Marvel - chẳng phải là một nhân vật từ thần thoại Bắc Âu hay sao. Đó là hẳn một hình tượng, còn việc tái sử dụng những chi tiết nhỏ thì nhiều vô kể: thảm thần, thần cây, tiên, troll... Mình sẽ không ngạc nhiên nếu một ngày VN có tác phẩm gì đó mà xuất hiện vũ khí là một thân tre có thể tách nhập đốt tre theo ý muốn. Một thứ đã quen thuộc (hoặc gắn bó) với nhiều người, khi được cải tiến, làm mới, sẽ dễ được đón nhận, đồng cảm hơn một thứ hoàn toàn mới, xa lạ. Gần đây nhất là bộ phim hoạt hình Raya and the Last dragon, hình tượng rồng thần, rồi thì liên quan tới nước, sông ngòi, chẳng phải rất quen thuộc trong các cổ tích, thần thoại của Á Đông đấy thôi.

Việc cực đoan loại bỏ truyện cổ tích mình cho rằng không cần thiết, và không lành mạnh với nền văn hoá. Chúng ta vẫn sẽ kể, vẫn sẽ dùng, nhưng hãy tinh tế, sáng suốt điều chỉnh chúng. Hãy phân tích, đặt chúng dưới góc nhìn của thời đại để hiểu, chứ không phải loại bỏ. Chúng ta đọc sách, kể chuyện cho trẻ em nghe, ko phải chỉ kể toẹt cái hoặc vứt sách đấy đọc xong thì thôi, chúng ta cần trò chuyện về những tác phẩm ấy. Điều này đúng không chỉ với truyện cổ tích, mà với bất kỳ thể loại gì. Không cần quá lo lắng rằng đọc một số truyện cổ tích đã lỗi thời với quan điểm hiện tại sẽ làm hỏng con em chúng ta. Bọn trẻ cũng biết tư duy đấy (đôi lúc còn xịn hơn người lớn). Và chúng ta cần trò chuyện, định hướng, giúp trẻ hiểu bản chất của các tác phẩm ấy. Đây có thể là một hành trình thú vị cho cả trẻ lẫn người lớn.

Đừng đổ hết trách nhiệm giáo dục trẻ em lên những câu chuyện, sách vở. Tất cả sách trên đời, không phải lời giải đáp cho mọi vấn đề chúng ta gặp, chỉ là những lời gợi ý, những ý kiến tham khảo, bất kể rằng tác giả cuốn sách ấy là người thông tuệ, sáng suốt đến mấy.

KẾT

Hi vọng rằng một vài điều mình chia sẻ kể trên đã giúp các bạn có thêm "dữ liệu" để quyết định xem truyện cổ tích với bản thân còn cần thiết hay không.

Một vài nguồn tham khảo mình đã dùng để viết bài này:
Why are fairy tales important?
Why is it in fairy tales, the princess always gets herself into trouble and its the prince who rescues her?
Where do fairy tales come from?

Previous
Previous

Khai bút đầu năm 2023,

Next
Next

Chuyện đến với nghề vẽ,