Uốn lưỡi bảy lần trước khi khen,
Trong tất cả những thứ nhảm nhí mình từng vẽ, đây là bức khiến mình bị thiên hạ mắng nhiều nhất 🥲(hồi này vẫn mở public comment), bằng cả nghìn chữ khiến một người có stamina đọc không tồi như mình cũng phải nhụt chí, kiệt sức.
Vào năm 2019, các nhà khoa học công bố bức ảnh hố đen đầu tiên. Ngày đó báo chí ầm ầm đưa tin về thành tựu này, gắn nó với tiến sĩ Katie Bouman, gọi cô là người phụ nữ đứng sau bức ảnh hố đen. Bức vẽ gốc còn có vài thông tin về tiến sĩ Bouman theo báo chí đưa (mà toàn báo lớn). Hồi này mình hay vẽ tranh kèm chú thích về nhân vật. Và mình bị mắng vì tội không tìm hiểu kỹ mà vội lan truyền thông tin sai lệch. Để dự án thành công, không chỉ mình tiến sĩ Bouman, mà là công sức tập thể của hơn 200 nhà khoa học.
Mình xin lỗi, sửa lại tranh và tiếp tục bị... mắng tội hạ thấp phụ nữ vì dám viết đại ý là nội tham gia vào dự án đã là đỉnh, không cần kịch tính hoá lên 🥲. Lúc đó tranh cãi của dân tình là truyền thông cố đẩy tiến sĩ Bouman thành lá cờ đầu cho phụ nữ làm khoa học, biến cô thành token dù bản thân cô không hề vơ hết công trạng về mình.
Công chúng vội vã luôn thích những câu chuyện tuyệt đối, kịch tính và đơn giản. Đã giỏi thì cô ấy phải giỏi tuyệt đối, đã đóng vai truyền cảm hứng thì mọi thứ phải sạch bách hoàn hảo (vd như Marie Curie khiến nhiều người đau đầu không biết đời tư này nọ của bà ý có ảnh hưởng tới việc ta ngưỡng mộ thành tựu của bà hay không). Và hình như xã hội dễ tặc lưỡi hiểu cho đàn ông “lắm tài nhiều tật” hơn là phụ nữ.
Bộ phim Hidden Figures kể về ba nhà toán học - nữ - da màu có nhiều đóng góp quan trọng cho NASA, có phân đoạn rất cảm xúc khi người lãnh đạo nam - da trắng thẳng tay đập cái biển nhà WC da màu, với một câu thoại không thể ngầu hơn "Ở NASA, chúng ta tè ra cùng màu." Tuy vậy, chuyện này không có thật, chỉ là một tình tiết giả tưởng để tăng phần kịch tính cho phim. Trong bài phỏng vấn Katherine Goble Johnson, bà chia sẻ rằng thời gian bà làm việc ở NASA khá suôn sẻ, mọi người chỉ tập trung vào công việc.
Không thể phủ nhận thực tế rằng vào thời điểm đó tại Mỹ nạn phân biệt chủng tộc rất nặng nề. Dù bản thân Katherine may mắn không phải hứng chịu nhiều, không có nghĩa những người da màu khác không bị. Mặt khác, trong môi trường khoa học, khi hoàn cảnh dồn ép, cần tài năng, người ta không còn tâm trí để phân biệt màu da, nam nữ nữa. Một số cá nhân xuất sắc tới mức vượt qua được cả thù ghét, hay ít nhất có thứ giá trị để mặc cả với sự thù ghét.
Sự thật là rất nhiều thành tựu của phụ nữ trong lịch sử bị lờ đi, không được ghi nhận. Tuy vậy, việc cố gắng “bù đắp” quá khứ bằng cách “khen quá”, hoặc chỉ nhặt ra công của phụ nữ có thể gây ra tác dụng ngược. Cách kể chuyện ảnh hưởng nhiều tới hiệu quả truyền đạt. Đấy có lẽ là lý do khiến nhiều người chọn cách kịch tính hoá/ tuyệt đối hoá câu chuyện, vì muốn tăng sức nặng cho thông điệp TỐT, mà đôi lúc bỏ quên bức tranh lớn.
Katie Bouman có đóng góp (quan trọng đến đâu thì chắc người làm chuyên môn trực tiếp mới nói chính xác được) là thật, nhưng chỉ nói mỗi về đóng góp của cô thì lại không công bằng. Sẽ có người phản bác rằng tuỳ thời điểm tập trung vào các nhóm yếu thế là cần thiết. Nhưng mình nghĩ đưa ra thông tin có tính tổng thể, càng trung thực càng tốt, có thể không có tác động mạnh nhất thời nhưng dồn đắp về lâu về dài sẽ có tác động sâu sắc hơn*.
Ý mình là, tin “MỘT người phụ nữ đứng sau bức ảnh chụp hố đen” chắc chắn gây ấn tượng mạnh hơn tin “đội ngũ thực hiện dự án hơn trăm người có cả nam lẫn nữ”. Nhưng trong thời gian dài, sự xuất hiện, đóng góp của phụ nữ, dù nhỏ bé hay to lớn, được ghi chép chính xác, thì sẽ dần trở thành tiêu chuẩn hiển nhiên. Không có gì bất ngờ khi một người phụ nữ làm được việc này việc kia và nhất là không còn nghi ngờ, rào cản về khả năng của giới nữ.
*Nhưng mình cũng ko dám chắc chỉ dùng mỗi cách “mưa dầm thấm lâu” là đủ. Đôi lúc người ta vẫn cần vài cú kịch tính?
Việc khen phụ nữ trở nên nhạy cảm, khó xử mình nghĩ do mâu thuẫn này: người muốn khen ngợi vì nghĩ phụ nữ trước giờ ít được công nhận lại bị vướng vào nghi vấn “á à mày vốn nghĩ phụ nữ không làm được vậy nên mới thấy bất ngờ đúng không?” (không loại trừ có trường hợp như vậy thật; nhưng không nên vội vã suy diễn ai cũng thế). Thành ra cả hai đều muốn ủng hộ phụ nữ nhưng lại rơi vào thế đối đầu nhau. Chi bằng hãy luôn dành cho người khác “benefit of the doubt”, để mở khoảng không để sửa đã.
Ví dụ có fanpage về bình đẳng giới nọ nói về “kỷ luật đen” ở Nhật đối với nữ sinh. Nhưng “kỷ luật đen” áp dụng cho cả nam lẫn nữ. Bài viết không nói sai sự thật nhưng chỉ chọn một nửa phục vụ cho quan điểm họ đang muốn chứng minh (aka cherry picking). Khi mình bổ sung thêm thông tin thì chỉ nhận được thái độ thiếu thiện chí của page (tất nhiên họ ko sửa bài), và nhiều comment móc mỉa nữa thôi ko tính. Đấu tranh bình đẳng theo cách hơi cực đoan dễ gây chia rẽ thêm thay vì thuyết phục.
Chuyện này rõ ràng khó nhưng vẫn cần giải quyết, cần tiếp tục tranh luận. Mục đích sau cùng là bình đẳng (hết sức có thể) cho mọi cá nhân bình thường trong xã hội. Và ngay cả khi không có những tấm gương để noi theo, xã hội chúng ta vẫn có khả năng tự điều hướng đúng đường.