Nguồn cảm hứng giả tưởng,

Trong bộ sách Biên niên sử Narnia của tác giả C.S.Lewis, thế giới thần tiên Narnia được kết nối với thế giới con người thông qua một chiếc tủ quần áo. Đi qua đi lại lúc nào tuỳ ý mấy anh chị em nhà Pevensie. Trong Chuyện dài bất tận của Michael Ende, cậu bé Bastain chỉ cần mở sách ra là đến được thế giới của trí tưởng tượng (ai cũng có khả năng này, chỉ là khi lớn nhiều người quên mất điều đó). Điểm chung của những tác phẩm này là sự tồn tại song song của một thế giới tưởng tượng thần tiên và con người (các nhân vật chính) sở hữu khả năng du hành giữa các thế giới một cách dễ dàng, không có rào cản hay điều kiện gì (khác với Neverland của Peter Pan, bạn phải bé mãi).

Hai thế giới này không hoà lẫn với nhau mà tồn tại độc lập. Các nhân vật cũng không bị lẫn lộn các thế giới. Khi ở Narnia, anh chị em nhà Pevensie là những vị vua & nữ hoàng, lãnh đạo và bảo vệ cả Narnia. Nhưng họ vẫn được tự do bước qua tủ quần áo, trở lại làm những đứa trẻ bình thường mà không thấy đau khổ, bất mãn.

Mình thấy đây là một cách tiếp cận lành mạnh với thế giới tưởng tượng, hay rộng hơn là quan hệ giữa các sản phẩm fiction với cuộc sống thật. Các sáng tác giả tưởng nói chung dùng những câu chuyện không-có-thật để phản ánh/ truyền đạt những thông điệp/ ý tưởng/ cảm xúc THẬT. Ví dụ xem phim Chúa Nhẫn, các vị tiên và người Hobbit không tồn tại trong thế giới bạn đang sống, nhưng bạn vẫn trải nghiệm được đầy đủ các cung bậc cảm xúc thông qua hành trình của các nhân vật. Những cảm xúc, suy nghĩ từ tác phẩm có thể tác động đến đời sống thật bên ngoài bộ phim. Đó là sức mạnh của sáng tạo!

Trong triết học, có một khái niệm là Fictionalism (không phải triết gia nào cũng đồng tình). Theo giải nghĩa của Oxford thì “fictionalism about a discourse claims that the sentences of the discourse are useful but does not claim that they are true”. Nói nôm na như ví dụ về Chúa Nhẫn, những cảm hứng/ suy nghĩ tích cực sản sinh khi xem phim có tác dụng THẬT tới bạn, không cần câu chuyện đó diễn ra ngoài đời. Nói kiểu triết học thì, tôi là fictionalist (khi nói) về nguồn cảm hứng/ động lực.

Vài năm trở lại đây dường như phim tiểu sử được ưa chuộng hơn hẳn. Những câu chuyện này thường được chỉnh sửa ít nhiều cho thêm phần kịch tính, điện ảnh. Liệu xem phim truyền cảm hứng về một nhân vật fiction phi thường nào đó có kém hiệu quả hơn xem phim về nhân vật có thật trong lịch sử hay không?

Đối với mình thì không.
Mình đồng tình với C.S.Lewis hay Michael Ende: thế giới fiction có thật, tồn tại song song với đời sống. Và chúng ta có thể thoải mái đi qua đi lại, aka sở hữu trí tưởng tượng. Con người không nhất thiết cần hình mẫu thật để dạy cho chúng ta biết mình có thể làm việc này việc kia. Chúng ta tự tưởng tượng được điều đó (không có nghĩa role model thừa thãi, có vẫn tốt nhé). Nhiều tiểu thuyết giả tưởng đã truyền cảm hứng cho nhiều sáng chế, như điện thoại di động, trực thăng, tàu ngầm…

Mình nghĩ cảm hứng từ fiction là cảm giác khả thi/ động viên mình có thể làm được một cách khái quát. Khác với cảm hứng có chi tiết cụ thể kiểu: một cô gái Việt Nam đạt được thành tựu A, à tôi cũng là con gái Việt Nam, tôi cũng có thể làm được việc A đó. Cá nhân mình thấy có một hình mẫu nhiều điểm chung với mình quá (vd: cùng giới tính, quốc tịch, lĩnh vực, hoàn cảnh xuất thân…) còn áp lực hơn*. Vì càng giống càng dễ so sánh: sao người ta làm được còn mình thì không. Trái lại, những cảm hứng khái quát từ fiction thúc đẩy mình một cách nhẹ nhõm, hiệu quả hơn nhiều.
*Tất nhiên, mình không phủ nhận tầm quan trọng của đồng cảm. Nhưng mình nghĩ sự đồng cảm sâu xa hơn chỉ ngoại hình hay xuất thân.

Chắc chắn có người tin rằng: cái gì có THẬT vẫn hơn. Vậy một sự thật được thêm thắt hoặc giản lược tình tiết thì sao? Hay chỉ cần tính biểu trưng tương đối là đủ truyền cảm hứng rồi?

Mình ủng hộ việc tôn vinh những cá nhân xuất sắc, trở thành hình mẫu truyền cảm hứng. Nhưng mình không hiểu tại sao cần kịch tính hoá thực tế, role model for the sake of role model?! Ngày xưa bạn H. xách balo lên và đi mấy chục nước; nội việc đó thôi đã rất đáng nể & đáng ghen tị rồi (ngoài chuyện đi nhiều, bạn ý cũng giỏi chuyên môn), không quan trọng đi bằng tiền túi hay tiền tài trợ. Nhưng người ta cứ phải thêm mắm dặm muối những chi tiết lố bịch, tô vẽ hình tượng người trẻ phải phi thường, ấn tượng hơn nữa. Một khi những nét tô vẽ ấy (dù lặt vặt không thay đổi cốt lõi câu chuyện) bị lật tẩy, sẽ kéo theo những giá trị khác bị nghi ngờ, sụp đổ theo.

Mình tin rằng cảm hứng từ fiction và từ thực tế đều quan trọng như nhau. Nhưng không nên trộn lẫn hai thứ đó với nhau, tủ quần áo phải ở yên đấy. Cảm hứng từ thứ thực tế được mông má chắc chỉ có tác dụng khi người ta không biết nó được mông má. Nếu biết rồi, có lẽ sự thất vọng, thậm chí là cảm giác bị phản bội sẽ lấn át hết cả những giá trị có thật.

Vậy nhu cầu kịch tính hoá thực tế từ đâu mà ra?

Mình nghĩ cũng tương tự như việc xem quá nhiều ảnh đẹp được edit kỹ lưỡng trên instagram, rồi đến lúc chứng kiến thực tế thì ta hẫng hụt. Một bộ phận công chúng cần dopamine liều cao liên tục, không còn khả năng chấp nhận những thứ bình thường, không hoàn hảo. Câu chuyện nghe lần này phi phàm rồi câu chuyện tiếp phải phi phàm hơn nữa. Tình trạng này, trớ trêu thay, vừa thiếu trí tưởng tượng lại vừa thiếu… thực tế: thiếu trí tưởng tượng để có cảm xúc mạnh với fiction, lại thiếu nhận thức rằng thực tế luôn sứt sẹo, và những tủn mủn nhàm chán đời thường cũng có cái hay riêng của nó.

Dĩ nhiên, câu chuyện truyền cảm hứng còn phức tạp hơn thế nhiều. Tại khi nhìn vào cùng một sự việc, mỗi người lại có những ưu tiên khác nhau. Ví dụ: người phụ nữ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ. Có người sẽ ưu tiên nhất phần "gốc Việt" (không lớn lên ở VN cũng được), có người lại chọn "phụ nữ" (người Thái cũng được), có người lại chọn "bay vào vũ trụ" (đi thứ hai cũng được). Nói phiên phiến ra thì... bạn thấy được truyền cảm hứng là được, làm tốt hơn là được😳. Chứ ai mà can thiệp được cái nguồn ý!

Next
Next

Uốn lưỡi bảy lần trước khi khen,