Một thái độ viết,

Mình từng có thắc mắc là: nếu một người viết những thứ có giá trị bằng thái độ hằn học, hoặc kẻ cả trịch thượng, thì mình có nên cố gắng đọc để gạn lọc những thứ có ích kia hay không? Một người bạn của mình (người có trải nghiệm đi & sống ở nhiều nơi trên thế giới) mới trả lời, đại ý là: Thứ mình nhận được liệu có đủ bù đắp những ảnh hưởng tiêu cực tới sức khoẻ tinh thần của mình không? Liệu đó có phải cách duy nhất để có được những kiến thức, giá trị đó hay không? Ngắn gọn thì, có đáng không?

Là một người đọc toàn thời gian và một người viết bán thời gian (những người viết toàn thời gian là một đẳng cấp khác), mình thấy thái độ viết hay giọng văn gây ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả người đọc tiếp nhận nội dung. Lựa chọn thái độ của người viết không nhất thiết phản ánh tính cách thật của họ; mà còn tuỳ thuộc vào việc người ta muốn nói như thế nào với ai.

Trong bộ sách Tobie Lolness, có chi tiết kể về chuyện cô bé Elisha (nhân vật thứ chính sau Tobie) “xử lý” được những người hung hãn, lỗ mãng bằng cách thay đổi xưng hô, lịch sự & tôn trọng. Tất nhiên, đây là tình tiết đơn giản hoá sự phức tạp trong đời sống xã hội loài người của một tác phẩm thiếu nhi. Nhưng mình nghĩ ý tưởng cốt lõi không sai. Kiểu như bạn phát ra năng lượng như thế nào thì sẽ thu hút những thứ gần tần sóng như vậy. Khi viết, thái độ viết chính là cách xưng hô với người đọc. Người viết lách hay chửi thiên hạ thì sẽ hút nhiều thành phần vào chửi lại, cứ thế “oan oan tương báo” mãi không dứt.

Ngay cả khi họ chừa bạn ra, bạn không mắc mấy thứ họ đang chửi thì không phải họ đang chửi bạn thì bạn vẫn… phải nghe chửi cùng. Kiểu tôi người qua đường bắt gặp hai người đang đánh chửi nhau vậy đó. Họ xỉa nhau không dính đến tôi nhưng nghe phải tôi vẫn đau đầu. Mỗi lần đọc những bài viết ngập từ ngữ nặng nề, đầy không khí phòng thủ, tác giả thì đốp chát lại từng ý kiến trái chiều… mình lại cảm thấy chà vài thông tin chút ít giá trị này phải đánh đổi (để cân bằng lại) bằng bao nhiêu lần chạm cỏ đây? Nhà tôi có gần công viên đâu.

Tuy vậy, mình cũng không có ý can ngăn, hãy bài trừ tất cả những bài viết thái độ kẻ cả hay tức giận đi. Vì mình biết, đọc những thứ như vậy đôi lúc cũng phấn khích lắm. Có người chửi hộ, chửi đúng thứ mình cũng đang ngứa mắt vô cùng thì lại chả đã quá. Hoặc có thể khiến người đọc cảm thấy thuộc về một… tầng lớp ưu việt hơn, nhìn xuống đám dân trí thấp đáng thương. Hoặc tình huống phi thường nhất là người đạt tới “cảnh giới” lọc bỏ được hết thái độ viết, chỉ còn cần cân nhắc xem ý tưởng thế nào. Điểm chung là ai cũng muốn ý kiến của mình có sức nặng, được lắng nghe cả!

Mình cho rằng “roi vọt” nên là hạ sách cuối cùng, vì nó dễ chọn, không mất công nghĩ nhiều. Người ta muốn ủng hộ cách viết “vả vào mặt cho tỉnh” là quyền của họ. Nhưng khi ủng hộ cách viết này, có lẽ người đó đã tự xếp mình vào nhóm không cần vả vào mặt mới tỉnh. Để “vả” ai đó cho tỉnh được chắc cũng mất nhiều công sức, thì giờ lắm! Mình không chọn thái độ viết này đơn giản vì mình ít năng lượng lại còn hay đau cổ vai gáy.

Điều quan trọng nhất mình muốn nói ở đây: người đọc luôn có thể đặt câu hỏi và có công cụ để tự tìm hiểu mọi thứ. Người viết cũng luôn có lựa chọn: tập trung vào “nâng đỡ” những người chưa biết những thứ mình (may mắn) đã biết hay dồn sức mắng mỏ những người không đồng tình với mình. Điều đó tuỳ thuộc lựa chọn của bạn còn bây giờ tôi đi đổ rác đã (tại tự dưng viết câu kia ra xong nhạc nó bật trong đầu)!

Ảnh chụp ở bảo tàng nghệ thuật ngoài trời Hakone. Tượng này có từ lâu rồi, hoá ra lại là lời tiên tri cho người dùng mạng những năm 202x.

Previous
Previous

Cái quả 🍌 gì thế?

Next
Next

🖋️Cái chết của tác giả ⚰️