Miếng gỗ Na Uy rẻ tiền,

Tương truyền trong “dân gian”, trong lúc đặt tên cho tiểu thuyết Rừng Na Uy, Haruki Murakami đã đặt dựa theo tên bài hát nổi tiếng Norwegian Wood của The Beatles. Tựa gốc tiếng Nhật là Noruwei no Mori (mori = rừng), bản dịch tiếng Việt cũng bám sát cái tên này. Nhưng tên bài hát của The Beatles lại có nghĩa là “gỗ Na Uy”, theo lý giải của Paul McCartney thì đó là ám chỉ mỉa mai về loại tấm ốp tường bằng gỗ thông giá rẻ thịnh hành thời đó ở London. Và rõ ràng The Beatles dùng từ “wood” chứ không phải “woods”.

Tuy vậy, bản tiếng Anh vẫn để là Norwegian Wood chứ không phải Norwegian Woods. Vậy đây là bám đúng theo ý tưởng (xuất phát từ nhầm lẫn) của tác giả hay là dịch… sai?! Có thể thấy dịch giả tiếng Anh đã quyết định chọn bám ý tưởng, vì bài hát này cũng là một chi tiết được nhắc tới nhiều trong câu chuyện.

Dịch tên sách là một bước vô cùng quan trọng, có thể ảnh hưởng tới doanh thu bán. Theo kinh nghiệm đọc của bản thân, nếu từ cái tựa dịch đã dở thì nhiều khả năng bên trong cũng dở. Tựa dịch hay thì khoảng 70~80% sách cũng dịch ổn (vẫn có trường hợp bản dịch được mỗi cái tựa hay). Một dịch giả xịn chắc chắn giỏi ngoại ngữ, nhưng một người giỏi ngoại ngữ chưa chắc đã dịch được sách. Để dịch hay cần giỏi tiếng Việt và có sự nhạy cảm với văn chương, ngôn từ nói chung lẫn nỗ lực đọc đa dạng.

Dịch tên sách cần chú ý những yếu tố nào?

1- Các lớp nghĩa của từ

Lấy ví dụ một tựa sách dịch rất đỉnh mà mình vô cùng hâm mộ: Chuông nguyện hồn ai (dịch giả: Nguyễn Vĩnh Hồ Thể Tần) - tên gốc tiếng Anh là For Whom the Bell Tolls (Ernest Hemingway). Dịch để hiểu được nghĩa khác với dịch cho ra chất văn chương. Nếu chỉ dịch nghĩa theo từ, cuốn này sẽ là Chuông đánh/ kêu cho ai (nghe có gỗ thông Na Uy không cơ chứ?). Ở đây có hai từ dịch giả đã mở rộng hơn so với từ gốc là “nguyện” & “hồn”. Nhưng đây lại không bị coi là dịch sai, vì sao?

Thứ nhất, dịch giả đã tìm hiểu ngọn ngành ý nghĩa của câu chữ. Cụm từ “for whom the bell tolls” xuất phát từ một bài thơ của John Donne (1572-1631). Ông là nhà thơ người Anh, đồng thời là hiệu trưởng Nhà thờ St. Paul ở London. Donne cho rằng tiếng chuông nhà thờ, báo hiệu cái chết của một người, cũng là hồi chuông cho mỗi chúng ta, vì tất cả con người đều gắn kết với nhau. Vậy nên, dịch giả Thể Tần dùng từ “nguyện” & “hồn” là chuẩn xác về ý nghĩa, nguồn gốc sâu xa của từ.

2- Thái độ & tinh thần tác phẩm

Tiếp nữa, dịch giả bám sát nội dung & tinh thần/ vibe tác phẩm. Để dịch đúng nghĩa thì dễ hơn dịch ra “thái độ” (dễ hơn thôi không phải dễ!). Ví dụ Mission Impossible thành Nhiệm vụ bất khả thi thì nó là phim hành động, thành Nhiệm vụ khó thế nhở! thì nó là phim hài. Cái “thái độ” này, với mình, chính là thứ phân biệt trình độ của dịch giả. Dịch giả không có khiếu hài hước thì cũng khó dịch buồn cười nổi.

Một ví dụ khác về việc đổi từ và cũng cố gắng bám sát ý nghĩa của tựa nhưng thất bại: cuốn Điệu vũ bên lề (dịch giả: Phong Du) - tên gốc The Perks of being a Wallflower (Stephen Chbosky). “Wallflower” là từ lóng chỉ người nhút nhát, rụt rè. Ở đây, mình đoán dịch giả đã dùng từ “bên lề” nhằm chuyển thể nghĩa “rụt rè” này. Nhưng “điệu vũ” thì có vẻ quá xa với nghĩa từ “perk”. Chưa kể múa may cũng không liên quan tới nội dung sách lắm. Trước bản dịch chính thức của Trẻ thì mình đã từng đọc bản dịch miễn phí trên mạng của một bạn fan. Mình thấy bản dịch đó tốt hơn nhiều, cả về nghĩa lẫn sắc thái, cùng cách thức là dùng từ cùng trường nghĩa: Đặc quyền của e thẹn.

Thêm một ví dụ xuất sắc khác của việc dịch ra “thái độ”, tác phẩm Bố già (dịch giả: Nguyễn Ngọc Tú) - tựa gốc The Godfather (Mario Puzo). Nếu dịch sát từ thì chỉ là Người cha đỡ đầu thôi, không có tý mafia nào. Cái tựa dịch này thậm chí trở thành một từ chỉ đặc tính, ám chỉ các ông trùm xã hội đen hoặc đơn giản là một người có máu mặt. Một số tác phẩm khác ngày xưa cũng có tên dịch hay như: Bắt trẻ đồng xanh (dịch giả: Phùng Khánh & Phùng Thanh) - tên gốc The Catcher in the Rye (J. D. Salinge), Cuốn theo chiều gió (dịch giả: Vũ Kim Thư) - tên gốc Gone with the wind (Margaret Mitchell), Đồi gió hú (dịch giả: Dương Tường) - tên gốc Wuthering Heights (Emily Brontë); có vài bản dịch cũ đặt là Đỉnh gió hú nhưng mình thấy nghe không thuận tai bằng “đồi”, nhưng có vẻ sát với “heights” hơn.

Bìa gốc kéo dài chữ G để nối với chữ D, nhìn nó cân đối, có ý đồ. Bìa Việt kéo dài chữ G cảm giác hơi máy móc, không… đi đến đâu, chưa kể khúc đó bị “đông đúc”: góc chữ G kéo dài vs góc dấu huyền vs góc chấm chấm của chữ i. Chi bằng đổi thành kéo dấu sắc của chữ Bố, liền với dấu huyền của chữ Già chẳng hạn, đổi thành chữ g thường, mô phỏng lại sự cân đối trong chữ God ở bìa gốc.

3- Sắc thái & nhịp điệu của từ ngữ

Có những tựa sách gần như được viết lại, do có thể những từ đó không có từ trực dịch trong tiếng Việt hoặc phải diễn giải dài dòng. Ví dụ cuốn Nếu gặp người ấy, cho tôi gửi lời chào (dịch giả: Nguyệt Phùng). Tên gốc tiếng Nhật là Sono Toki wa Kare ni Yoroshiku (Takuji Ichikawa). Cụm “yoroshiku” là một lời chào hỏi quen thuộc trong tiếng Nhật, không có cụm tương đương trong tiếng Việt, dịch sát nghĩa thì có thể hiểu nôm na là “xin được giúp đỡ”, “xin hãy đối tốt với tôi”. Vậy ở đây dịch giả đã dịch ý tứ chứ không dịch từ. Tìm được tương quan trong văn hoá còn phức tạp hơn. Tựa này tuy dài, nhưng có nhịp điệu mềm mại, câu thuận miệng nên dễ nhớ, rất hợp không khí nhẹ nhàng, tình cảm của tác phẩm. Lựa chọn từ vựng của dịch giả cũng phù hợp, “người ấy” gợi cảm giác lãng mạn, nên thơ hơn, dù tựa gốc dùng từ “anh ấy” (kare). Nhịp điệu & vần điệu cũng rất quan trọng.

Hoặc cuốn Nội tình của ngoại tình (dịch giả: Nguyễn Phương Hoa) - tên gốc The State of Affairs: Rethinking Infidelity (Esther Perel) là một pha chơi chữ đối xứng rất hay!

Ngược lại, có những tựa thay từ mà làm giảm ý nghĩa của từ gốc. Ví dụ cuốn Cô nàng cửa hàng tiện ích (dịch giả: An Vy). Tựa gốc tiếng Nhật là Konbini Ningen (Murata Sayaka). “Ningen” có nghĩa là “con người”, không xác định giới tính. Một tình tiết quan trọng trong tác phẩm là khi nhân vật chính cảm thấy như mình “hợp thể” với cái cửa hàng tiện lợi mà cô ta đang làm việc, thậm chí cảm giác đánh mất bản thể cá nhân. Chọn từ “cô nàng” tạo không khí hơi… romcom, hoàn toàn trái ngược với sự u ám của cuốn sách này. Bản tiếng Anh cũng dịch thành “woman” thay vì “human”. Mình nghĩ đây là một thay đổi không hay.

Cũng có trường hợp dịch giả lược bớt từ ở tựa gốc. Ví dụ cuốn Giáo sư và công thức toán (dịch giả: Lương Việt Dũng) - tựa gốc Hakase no ai shita suushiki (Yoko Ogawa). Dịch giả đã lược từ “ai shita” - nghĩa là “đã từng yêu” trong tựa gốc. Cá nhân mình nghĩ đây là một chi tiết hay trong tít sách, nhưng công nhận là khá khó dịch cho nuột. Nếu dịch từng từ thì tên sách là: công thức toán thân thương của giáo sư. Cơ mà tựa Việt vẫn hay hơn tựa tiếng Anh - The Housekeeper and the Professor, giáo sư và người giúp việc, hix.

4- Đối tượng đọc & đặc thù của thể loại

Vấn đề chọn từ ngữ dễ trở nên “nhức nhối” hơn với sách thiếu nhi. Vì dịch sách cho trẻ cần lưu tâm tới trình độ đọc. Không nên giết gà mà dùng dao mổ trâu. Ví dụ cuốn Here we are: Notes for Living on Planet Earth của Oliver Jeffers được dịch dù không dở nhưng khá cồng kềnh: Mình cư trú ở nơi này: Hướng dẫn sinh sống trên hành tinh Trái Đất (dịch giả: Ngô Hà Thu). “Cư trú” là một từ, theo mình, hơi khó so với độ tuổi đọc mục tiêu của sách. Chúng ta có thể xen vài từ khó trong nội dung sách, kèm chú giải, để độc giả nhí học thêm. Nhưng không nên đưa vào tựa sách vì đó là ấn tượng đầu tiên, nếu khó hiểu độc giả dễ bỏ qua sách. Tiêu biểu như cuốn Where the wild things are (Maurice Sendak) dịch thành Ở nơi quỷ sứ giặc non (dịch giả: Trác Phong), dùng từ vừa rất cũ vừa là phương ngữ; gây bối rối cho hầu hết độc giả (cả phụ huynh lẫn trẻ em). Và cuốn này không cần dùng dạng từ vựng như vậy, nó bị vênh tính cách tác phẩm.

Nếu là mình, mình sẽ dịch đơn giản là “Chúng mình ở đây: ghi chú về cuộc sống trên Trái Đất”.

Riêng sách tranh còn nảy sinh thêm vấn đề mà tiểu thuyết chữ ít khi gặp phải: trình bày bìa sách. Sách chữ bình thường có thể vẽ bìa mới hoàn toàn, sách tranh thì không. Thiết kế bìa sách tranh phải bám theo bìa gốc càng sát càng tốt. Đôi lúc sẽ có yếu tố “chơi chữ”, “chơi hình” trên bìa sách mà nên cố gắng giữ. Ví dụ một ca mình từng gặp: cuốn It’s a book (Lane Smith).

Hoạ sĩ thiết kế bìa gốc đã dùng đầu của nhân vật Khỉ thay cho một chữ O. Khi dịch, nó nên là từ cuối cùng; vì nếu chèn một từ tiếp theo sẽ làm thay đổi bố cục tranh hoặc thay vào chữ bị khó đoán. Nếu dịch Đây là sách/ Đây là một cuốn sách/ Đây là một quyển sách… đều khó để thiết kế cả, mà nghe cũng khô (như miếng gỗ Na Uy vậy)! Vậy nên mình đã bám vào nội dung bên trong sách để dịch theo hướng văn nói đời thường, có tính cảm thán hơn.

Câu chuyện là cuộc đối thoại giữa Khỉ và Lừa về sách. Câu thoại “It’s a book” được lặp đi lặp lại xuyên suốt cuốn sách. Thiết kế cũng rất tinh tế khi để Lừa nói chuyện bằng font không chân, nhìn rất “máy tính”, còn Khỉ nói chuyện bằng font có chân cổ điển rất sách văn học.

Một cuốn khác mình từng dịch mà cũng khá ưng là cuốn Trái tim cất trong chai - tựa gốc The heart and the Bottle (Oliver Jeffers). Mình áp dụng phương pháp giống Chuông nguyện hồn ai, dựa trên tình tiết quan trọng trong chuyện là nhân vật chính tự cất tim mình vào chai cho an toàn. Nếu dịch sát là Trái tim và cái chai nghe hơi tẻ và thiếu nhịp điệu.

5- Tính độc đáo & dễ quảng bá

Những cái tên quá ngắn hoặc dùng từ chung chung sẽ hạn chế khả năng tìm kiếm, ghi nhớ, hay bị nhầm lẫn sang cái này cái nọ. Tên quá dài cũng gây khó khăn, ví dụ như cuốn Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới (Haruki Murakami) - dù tựa này dịch sát tên gốc và cũng khá hay. Tên gốc đã dài sẵn, dịch ra tiếng Việt còn dài hơn, quả là thách thức độc giả.

KẾT LẠI,

Trên đây là một số ghi chú nhỏ từ trải nghiệm làm độc giả lẫn dịch giả của mình. Hoàn toàn mang tính cá nhân, đọc tham khảo cho vui thôi ha! Nghĩ ra bài này cũng do hôm nọ mình bắt gặp một cuốn sách thiếu nhi, giải đáp các câu hỏi về cái chết, tên là Dying to ask, trong đầu liền nhảy số thế dịch thành Muốn hỏi chết đi được nhỉ, hehe.

Next
Next

Một chấm hiện diện,