Một phần tốt đẹp,
Tối hôm nọ trước khi đi ngủ, mình nằm đọc một truyện tình cảm. Cơ bản, mình thích đọc những thứ vui vẻ hường phấn cho dễ ngủ và không gặp ác mộng. Ai dè vớ phải câu chuyện phá ngang giấc ngủ của tôi!
Tóm tắt ngắn gọn câu chuyện: một cặp đôi đã yêu nhau từ hồi phổ thông, chung sống cả mười mấy năm, vượt qua bao khó khăn vất vả. Xin tạm gọi là bạn “tào khang” và bạn “thay lòng”. Tác giả không giải thích tại sao, bước ngoặt nào đã khiến bạn “thay lòng” từ một người yêu tử tế, hết lòng hết mực, lại bỗng chốc thay lòng còn giở thói côn đồ. Cũng chẳng có tý foreshadowing nào cho cú bẻ lái sứt đầu mẻ trán (nghĩa đen) này. Chỉ biết rằng giờ bạn Tào khang đau khổ than trời rằng tao đã phí thanh xuân hi sinh cho tình yêu này rồi! Lại còn vật ra trước mộ cha mẹ để thừa nhận con sai rồi, con cứ nghĩ thằng này sẽ đối tốt với con mãi vì ngày xưa nó tốt với con lắm!? (Ủa nhưng nó đã tốt với mày thật mà?!)
Theo timeline của câu chuyện thì hai người bên nhau 14 năm, trong đó có 10 năm hạnh phúc cùng nhau vượt khó. Tôi xin tự suy diễn rằng bạn Thay lòng đã đổi dạ được khoảng 4 năm. Mình không bao biện cho những mối quan hệ độc hại, từng yêu nhau đến mấy mà giờ hết yêu thì cũng chia tay thôi, còn kịp hạnh phúc tiếp. Tuy vậy, thứ khiến mình suy nghĩ là việc người ta có xu hướng xoá bỏ hết những điều tốt đẹp từng có, chỉ chăm chăm vào những điều bất hạnh. Ý mình là, giả sử trong 14 năm chung sống, có 10 năm đầu không vui vẻ, bị hành hạ, nhưng 4 năm sau tử tế thì người ta có nghĩ rằng “ồ đã không uổng công cố gắng suốt 10 năm rồi” không? Nếu cuộc sống vẫn còn tiếp tục thì liệu có nên coi 4 năm tử tế đã là cái kết sau cùng rồi không? Tại sao điểm dừng của một hành trình, luôn được coi là kết quả “tối thượng”, mang giá trị cao hơn tất cả hành trình dài trước đó?
Mình nhớ đọc được ở đâu đó rằng với mỗi lời chê, người ta cần ít nhất năm lời khen khác mới bù lại được. Ờ, không rõ cái tỷ lệ 1/5 này ở đâu ra. Nhưng có thể dễ dàng thấy được rằng những điều tiêu cực dễ ảnh hưởng mạnh mẽ tới chúng ta hơn. Chúng ta thường nhớ chuyện xấu lâu hơn. Mình thấy khá buồn cười khi nhận ra mình thực ra chỉ thích 21 tập đầu của Naruto (là đến đoạn Sasuke rời làng Lá, đi theo Orochimaru). Thích đậm sâu, chao đảo một tâm hồn mới lớn. 21/ 72 tập thực ra chưa được tới một nửa tác phẩm; vậy có thuyết phục không nếu mình cứ ra rả rằng mình thích Naruto lắm?! Chưa kể mình còn ghét thậm tệ cái kết của câu chuyện, cứ dăm ba năm lại lên cơn biên sớ tế tác phẩm? (Kishimoto sensei, gomenasai!)
Khi đã vào độ tuổi 30s, hix, nhìn lại một “tình yêu” thủa mười mấy, mình chỉ còn lại sự biết ơn với Naruto và mình sẽ luôn có một cảm xúc thân thương, ấm cúng khi nhắc nhớ về câu chuyện này, những nhân vật này. Cho dù nó không phải tác phẩm xuất sắc nhất mình từng đọc, nó đã vô tình nói đúng những thứ mình cần nghe vào thời điểm mình mong manh hoang hoải mới lớn (còn giờ trưởng thành mong manh lại cần những thứ khác). Và những điều này quan trọng hơn, có ý nghĩa hơn với mình so với một cái kết không thoả mãn.
Thế nên, đối với những quyết định càng gắn liền với cảm xúc, mình càng muốn dùng cách thức đong đếm rất trực quan, kẻ bảng đếm số, đong đếm tác động. Ví dụ như hôm nay mình quyết định nghỉ chơi với một người bạn, mình sẽ kẻ bảng (trong đầu), liệt kê những chuyện vui và không vui mình đã có với họ. Thật sự đếm xem chúng mình đã có cái gì nhiều hơn. Phần lớn thời gian, mình nhận ra rằng vui buồn thường 50-50. Nếu chủ yếu là chuyện không tốt, mình sẽ cảm thấy nhẹ nhõm với quyết định rời đi. Cái thứ dở hơi này kết thúc ở đây rồi, may quá! Nếu chủ yếu là chuyện tốt, mình cũng sẽ cảm thấy nhẹ nhõm vì ngay cả khi rời đi, mình sẽ ghi nhớ những điều tốt đẹp, mình sẽ không nói xấu họ ngay cả khi không còn quan hệ gì với nhau nữa.
Mình đoán rằng, có lẽ mình là tuýp… lý trí chắc chắn: cảm xúc này của tôi đã được củng cố bằng những lý lẽ, bằng chứng cụ thể. Nếu tôi nghi ngờ cảm xúc hay suy nghĩ của mình, xin hãy tự kiểm tra lại lịch sử phát triển trước khi đưa ra quyết định sau cùng (cái này không chỉ áp dụng với quan hệ với người khác, còn cả quan hệ với công việc & mọi thứ khác). Có một chi tiết mình rất thích trong phim Marriage story (2019), bộ phim mở đầu bằng những lá thư hai vợ chồng gửi cho nhau, theo yêu cầu của bác sĩ tư vấn hôn nhân, liệt kê ra tất cả những điều họ thích & trân trọng ở đối phương. Việc này không giúp hàn gắn cuộc hôn nhân của họ, nhưng phần nào giúp bảo vệ những kỷ niệm tốt đẹp họ đã có với nhau, để chúng ta không phải bước tiếp với toàn những u uất phủ kín tầm nhìn.
Có lẽ điều khiến con người ta thấy tan nát hơn, không phải chúng ta đã có những điều tốt đẹp mà giờ không còn nữa, mà là hoá ra những điều ấy không có thật, là chưa từng có chứ không phải đã mất. Lúc ấy mới thật sự thấy uổng công, phí thời gian quá đi!
Tuy vậy, sau cùng thì chuyện gì cũng sẽ qua đi nhưng quá trình thì luôn có ý nghĩa dù ít dù nhiều. Ta sẽ phải sống cho tới khi nào… chết thì thôi! Hehe.